Home Mẹo Vặt Cuộc Sống Ảnh RAW là gì? Ưu điểm và Nhược điểm khi chụp ảnh RAW

Ảnh RAW là gì? Ưu điểm và Nhược điểm khi chụp ảnh RAW

by Hoàng Trần



Khi đã tìm hiểu một chút về nhiếp ảnh, bạn có thể bắt đầu bắt gặp những nhiếp ảnh gia / những trang tài liệu khuyên bạn nên chụp ở chế độ “RAW”. Thế nhưng ảnh RAW là gì, và tại sao nhiều nhiếp ảnh gia lại khuyên sử dụng nó? Mời bạn cùng chúng tôi đi tìm câu trả lời trong bài viết này nhé.

Ảnh RAW là gì? Ưu điểm và Nhược điểm khi chụp ảnh RAW

Ảnh RAW là gì?

Tệp RAW đơn giản chỉ là một tệp hình ảnh kỹ thuật số được lưu trên thẻ nhớ máy ảnh / smartphone của bạn. Nó được xử lý tối thiểu và thường không được nén. Mỗi nhà sản xuất máy ảnh đều có định dạng tệp RAW của riêng họ, ví dụ tệp RAW của Canon là .CR2 hoặc .CR3, trong khi Nikon là .NEF.

Tệp RAW của Canon là CR2

Còn khi nói đến smartphone, các thiết bị Android hỗ trợ RAW chủ yếu chụp ở DNG, đó là một định dạng tệp RAW phổ biến. Về phía Apple, họ có một định dạng ProRAW mới.

Apple có một định dạng ProRAW mới

Giờ chúng ta hãy mở rộng vấn đề này một chút để hiểu rõ ràng hơn.

Có sẵn hai định dạng ảnh chính là JPG (hay JPEG) và RAW. Thông thường, khi bạn chụp bằng máy ảnh kỹ thuật số hoặc smartphone, cài đặt mặc định là để chúng lưu ảnh bạn chụp vào thẻ nhớ máy ảnh ở định dạng nén. Tiêu chuẩn trên hầu hết các máy ảnh và thiết bị là một định dạng được gọi là JPEG. (JPEG đơn giản chỉ là viết tắt của “Joint Photographic Experts Group” – tên của nhóm đã tạo ra nó.)

Thế rồi, điều này thường được rút ngắn lại thành JPG, như một sự quay lại thời kỳ mà phần mở rộng tệp chỉ có thể là ba chữ cái. Vì vậy, một tệp JPG trên ổ cứng của bạn sẽ có tên gì đó giống như “image.JPG”. Hoàn toàn không có sự khác biệt giữa JPG và JPEG, chúng giống nhau.

JPG là một định dạng hình ảnh được thống nhất rộng rãi, đến mức nó có thể được xem trên hầu hết mọi thiết bị hiện có. Vì vậy, thật dễ dàng để bạn lấy một tệp hình ảnh JPG và chia sẻ nó lên nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, hoặc gửi qua email cho bạn bè xem mà bạn không cần chỉnh sửa hoặc thay đổi nó theo bất kỳ cách nào.



JPG cũng là một định dạng tệp nén, nghĩa là có những sự tối ưu hóa khác nhau được áp dụng cho tệp hình ảnh, điều này làm cho kích thước tệp nhỏ hơn. Mức độ nén càng mạnh thì chất lượng ảnh mất đi càng nhiều, nhưng bù lại, kích thước tệp càng nhỏ giúp không gian lưu trữ cần thiết để lưu tệp càng ít.

Ngoài ra, cũng có sẵn các loại nén khác, chẳng hạn như tệp PNG, tệp HEIF,… Chúng đều có ưu điểm và nhược điểm riêng. Thế nhưng cho đến nay, JPG vẫn được sử dụng rộng rãi nhất, trong khi HEIF là mặc định trên hầu hết các thiết bị iPhone.

Các tệp nén là một điều tốt. Ví dụ, nếu bạn muốn lưu trữ số lượng hình ảnh lớn tới con số hàng ngàn / chục ngàn, lúc đó kích thước của chúng sẽ là vấn đề, hoặc chỉ đơn giản là khi bạn muốn gửi hình ảnh qua email cho bạn bè, bạn sẽ không chiếm mất quá nhiều dung lượng hộp thư đến của họ.

Tuy nhiên, có những nhược điểm khi sử dụng tệp nén như JPG hoặc HEIF. Hình ảnh nén kém linh hoạt hơn rất nhiều khi chỉnh sửa, bởi vì nhiều dữ liệu hữu ích mà trình chỉnh sửa ảnh cần tới đã bị loại bỏ để giảm bớt kích thước tệp. Ngoài ra, máy ảnh cũng áp dụng một số tinh chỉnh cho hình ảnh khi nó lưu ở định dạng nén, chẳng hạn như điều chỉnh độ bão hòa, độ tương phản và độ sắc nét của hình ảnh. Những thay đổi này rất khó để hoàn tác nếu bạn không thích chúng.

Mặt khác, tệp RAW là phiên bản không nén của tệp hình ảnh. Về cơ bản, máy ảnh lấy dữ liệu hình ảnh từ cảm biến và lưu dữ liệu đó ở định dạng chưa chỉnh sửa và không nén trên thẻ nhớ.

Điều này chiếm nhiều dung lượng hơn trên thẻ nhớ của bạn. Một tệp ảnh RAW gần như hoạt động để có cùng kích thước với số megapixel của máy ảnh. Ví dụ, máy ảnh 20 megapixel sẽ lưu tệp RAW khoảng 20MB, khi đem so sánh với tệp JPG có chất lượng ổn, từ cùng một máy ảnh, thường sẽ ở khoảng 4MB – tức là nhỏ hơn tới năm lần!

Như chúng tôi đã đề cập ở phần đầu, mỗi nhà sản xuất máy ảnh đều có định dạng tệp RAW của riêng họ. Ví dụ, tệp RAW của Canon có loại tệp “CR2”, tệp RAW của Nikon là tệp “NEF”. Vì vậy, thay vì “image.JPG” bạn sẽ có “image.CR2” hoặc “image.NEF”.

Bạn không thể chỉ lấy các tệp RAW và upload lên internet, hoặc chia sẻ với bạn bè. Chúng cũng chiếm nhiều dung lượng hơn và không phải là định dạng tệp chung. Đọc tới đây, có vẻ là không tuyệt vời lắm đối với các tệp RAW!

Chúng tôi sẽ đề cập tới ưu điểm của RAW ở các phần sau. Mặc dù vậy, trước tiên sẽ là một bản tóm tắt nhanh về sự khác biệt giữa RAW và JPG (cũng được áp dụng khi so sánh RAW với các loại hình ảnh nén khác như PNG hoặc HEIF).

Ảnh RAW so với Ảnh JPG

Ảnh RAW so với Ảnh JPG

Dưới đây là so sánh nhanh về ảnh RAW và JPG:

  • JPG: kích thước tệp nhỏ, chỉ bằng khoảng 1/4 đến 1/5 so với kích thước của tệp RAW.
  • JPG: định dạng tệp phổ biến cho nhiều thiết bị, RAW chỉ duy nhất dành cho máy ảnh.
  • JPG: có thể được chia sẻ ở mọi nơi mà không cần chỉnh sửa, RAW yêu cầu chỉnh sửa trước khi nó có thể được chia sẻ.
  • RAW: kiểm soát tốt hơn nhiều đối với hình ảnh cuối cùng, JPG làm giảm quyền kiểm soát vì phần lớn dữ liệu hình ảnh bị loại bỏ.
  • JPG: được hỗ trợ bởi hầu hết smartphone và máy ảnh nhỏ gọn. Hỗ trợ RAW chỉ có trên các máy ảnh đắt tiền hơn như DSLR, máy ảnh mirrorless, và một vài máy ảnh ngắm chụp hoặc smartphone.
  • JPG: là định dạng 8-bit, nghĩa là nó có thể lưu trữ thông tin lên đến 16 triệu sắc thái màu. RAW có thể lưu trữ từ 68 tỷ đến 4,3 nghìn tỷ sắc thái màu, tùy thuộc vào máy ảnh, những con số rất “khủng”.

Nhiều mục trong những so sánh trên cũng đúng khi so sánh RAW với các định dạng tệp nén khác như HEIF hoặc PNG, mặc dù JPG vẫn là định dạng tệp nén được hỗ trợ rộng rãi nhất.



Ưu điểm khi chụp ảnh ở định dạng RAW

Phần này chúng tôi sẽ đi nhanh qua một số lợi thế chính của việc chụp ảnh ở định dạng RAW.

Giúp bạn giữ được tất cả dữ liệu Hình ảnh

Lợi thế chính có được khi chụp ở định dạng RAW là bạn không bị mất bất kỳ dữ liệu hình ảnh quý giá nào. Tại sao điều này lại quan trọng ư?

Vâng, hãy nghĩ về một số trường hợp. Thỉnh thoảng khi chụp một bức ảnh phong cảnh, bầu trời có thể bị quá sáng hoặc chủ thể bị quá tối. Với tệp JPG, rất khó để làm được gì với nó, vì hình ảnh về cơ bản đã ở trạng thái cuối cùng và chỉ cho phép một chút sự chỉnh sửa nhỏ. Còn với tệp RAW, có sẵn một lượng lớn thông tin hình ảnh, nghĩa là bạn có thể chỉnh sửa lại mọi thứ thoải mái hơn.

Ưu điểm khi chụp ảnh ở định dạng RAW

Khi bạn đã thực hiện điều này một vài lần trên những hình ảnh mà bạn cho là gần như để vứt đi, bạn sẽ tự hỏi tại sao mình lại chụp ở định dạng JPG làm gì.

Giúp bạn điều chỉnh Cân bằng trắng

Để nói hết về cân bằng trắng (white balance) thì chắc phải cần tới cả một bài viết dài khác, nhưng tóm lại, khi các nhiếp ảnh gia nói về cân bằng trắng, họ đang đề cập đến tông màu của hình ảnh. Ví dụ, cân bằng trắng ấm có nghĩa là hình ảnh có màu vàng gold, và cân bằng trắng lạnh đề cập đến hình ảnh có màu xanh lam hơn.

Cân bằng trắng thay đổi tùy thuộc vào nguồn ánh sáng. Ví dụ, một bóng đèn vonfram sẽ cho một tông ánh sáng khác so với mặt trời vào giữa trưa, trông cũng sẽ khác với khi mặt trời lặn.

Hãy tưởng tượng nếu bạn giơ một tờ giấy trắng lên – bạn biết tờ giấy đó có màu trắng, nhưng nếu bạn đặt cùng một tờ giấy dưới tất cả các loại ánh sáng khác nhau này, nó có thể trông sẽ có màu khác. Khi bạn chụp ảnh, máy ảnh thường phải thử và tìm ra tông màu của ánh sáng, để hình ảnh của bạn trông không quá xanh hoặc quá vàng, và điều này được thực hiện với cài đặt cân bằng trắng.

Khi bạn chụp ở định dạng JPG, máy ảnh phải tìm ra cân bằng trắng này và áp dụng nó vào hình ảnh. Còn khi bạn chụp ở chế độ RAW, bạn có thể thay đổi cân bằng trắng sau dễ dàng hơn nhiều, nghĩa là việc điều chỉnh tông màu của hình ảnh trong quá trình xử lý hậu kỳ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều, và “fix” lại ảnh để nó trông tự nhiên hơn.

Ưu điểm khi chụp ảnh ở định dạng RAW

Ví dụ, bạn có thể thấy phiên bản gốc của hình trên, ở bên trái, trông khá vàng. Điều này là do nguồn sáng khá ấm, vì vậy cái bát màu trắng cuối cùng lại trông hơi vàng, cũng như phần còn lại là món ăn. Bằng cách điều chỉnh cân bằng trắng, chúng ta có thể làm cho bát trông có màu trắng và kết quả là phần còn lại của món ăn trông tự nhiên hơn.



Giúp bạn điều chỉnh Độ sắc nét và Nhiễu hạt

Khi bạn chụp ở định dạng JPG, máy ảnh sẽ áp dụng một số chỉnh sửa đối với dữ liệu hình ảnh như một phần của quá trình chuyển đổi, nhằm để cung cấp cho hình ảnh JPG cuối cùng một cái nhìn cụ thể. Điều này thường có thể được điều chỉnh trong menu cài đặt máy ảnh, và bao gồm nhiều thứ khác nhau như độ bão hòa màu và độ tương phản, cũng như độ sắc nét và giảm nhiễu hạt.

Mặc dù phần mềm trên máy ảnh nói chung là làm tốt ở những điều chỉnh này, nhưng bạn có thể kiểm soát tốt hơn nhiều đối với độ sắc nét và giảm nhiễu hạt nếu sử dụng một công cụ chỉnh sửa hình ảnh chuyên dụng, như Adobe Lightroom. Vì vậy, đặc biệt là đối với những cảnh chụp tối hơn, chẳng hạn như ảnh chụp trong nhà (nếu bạn không thể sử dụng đèn flash) hoặc chụp ảnh ban đêm, chụp ở định dạng RAW rồi điều chỉnh độ nhiễu và độ sắc nét trong xử lý hậu kỳ sẽ mang lại cho bạn kết quả tốt hơn, qua đó hình ảnh tổng thể trông sẽ “sạch đẹp” hơn.

Khi nào không nên chụp ảnh ở định dạng RAW?

Như bạn vừa thấy đó, có một số lợi thế rõ ràng khi chụp ảnh ở định dạng RAW, thế nhưng cũng có một số lý do khiến cho không phải lúc nào bạn cũng nên làm như vậy.

1. Đầu tiên, nếu bạn cảm thấy mình không thể dành nhiều thời gian để chỉnh sửa / làm việc trên ảnh sau khi chụp, RAW có thể không dành cho bạn. Nó sẽ buộc bạn phải bỏ ra thêm thời gian, và mặc dù kết quả cuối cùng có thể là những bức ảnh đẹp hơn, nhưng nếu bạn không có thời gian hoặc nhu cầu để làm điều đó, đúng là nó không dành cho bạn.

2. Thêm một lý do khác để không chụp ảnh ở định dạng RAW, đó là nếu bạn muốn chụp các khung hình liên tục với tốc độ cao, chẳng hạn như một chuỗi hành động. Vì tệp JPG kích thước nhỏ hơn rất nhiều nên chúng có thể được ghi vào thẻ nhớ của máy ảnh nhanh hơn nhiều so với tệp RAW, và bộ đệm bên trong của máy ảnh cũng sẽ có thể lưu trữ nhiều ảnh hơn, nghĩa là bạn có thể chụp liên tiếp lâu hơn.

Khi nào không nên chụp ảnh ở định dạng RAW?

Vì vậy, nếu chụp khoảnh khắc là phần quan trọng nhất của bạn, thì RAW có thể không dành cho bạn.

3. RAW cũng không phải là tốt nhất trong những trường hợp gấp rút về thời gian. Ví dụ, khi chụp ảnh tại các sự kiện, nhiếp ảnh gia báo chí thường lựa chọn chụp JPG vì họ cần nhanh chóng gửi ảnh đi để chúng có thể được xuất bản. Đơn giản là không có thời gian để dành cho quá trình chỉnh sửa RAW.

Rõ ràng, nếu cần ưu tiên chụp ảnh nhanh thì RAW có thể không phù hợp với nhu cầu của bạn.

4. Đôi khi, bạn sẽ muốn đi du lịch và chia sẻ hình ảnh của mình với bạn bè và gia đình. Và nếu bạn không muốn phải mang theo laptop theo, trong những trường hợp này RAW cũng không phải là lý tưởng, vì bạn thường cần tới một chiếc máy tính để có thể chỉnh sửa ảnh của mình.

Nếu bạn đang chụp ảnh với smartphone của mình thì đó là ngoại lệ, vì nếu smartphone đã hỗ trợ chụp RAW, nó thường sẽ có luôn trình chỉnh sửa RAW tích hợp cho phép bạn chỉnh sửa ảnh và lưu chúng ở định dạng có thể chia sẻ, như JPG.

Một tùy chọn khác, thay vì cài đặt máy ảnh của bạn chỉ chụp ở JPG, hãy xem liệu nó có cho phép bạn chụp ở “RAW & JPG” hay không. Điều này có nghĩa là máy ảnh sẽ ghi lại cả phiên bản JPG được nén của hình ảnh và phiên bản không được nén.

Chụp ảnh RAW & JPG

Đây là một cách tốt để bắt đầu chụp ở định dạng RAW mà không phải lo lắng về việc chỉnh sửa tất cả các hình ảnh của bạn. Nhưng hãy lưu ý, nó sẽ chiếm rất nhiều dung lượng trên thẻ nhớ máy ảnh của bạn và không phù hợp nếu bạn muốn chụp các loạt ảnh nhanh, chẳng hạn như để chụp hành động, bởi vì việc ghi quá nhiều dữ liệu vào thẻ nhớ máy ảnh cho mỗi lần chụp sẽ làm chậm quá trình chụp xuống một chút. Tuy nhiên, đó là một giải pháp tốt để bạn có thể thử, trước khi bạn muốn “tất tay” cùng với RAW.



Tại sao tệp RAW trông rất khác so với tệp JPG?

“Tại sao các tệp RAW trông rất khác biệt so với các tệp JPG” là một câu hỏi chung của rất nhiều người. Điều này đặc biệt còn đáng chú ý hơn nếu bạn chụp cả RAW & JPG rồi tải chúng bên cạnh nhau trong phần mềm chỉnh sửa hình ảnh.

Sự khác biệt là khá rõ ràng – màu sắc sẽ bị nhạt hơn trong tệp RAW, độ tương phản cũng có thể bị giảm đi và trông không sắc nét như tệp JPG.

Tệp RAW rất khác tệp JPG

Ví dụ ở trên, ảnh bên trái là JPG của máy ảnh, trong khi ảnh bên phải là tệp RAW. Bạn có thể thấy so với phiên bản JPG của máy ảnh, màu sắc kém rực rỡ hơn rất nhiều trong tệp RAW chưa qua chỉnh sửa.

Lý do cho điều này là khi một máy ảnh xử lý dữ liệu hình ảnh và lưu dưới dạng JPG, nó sẽ áp dụng những gì được gọi là cấu hình hình ảnh. Về cơ bản, máy ảnh sẽ chỉnh sửa ảnh giúp cho bạn, đưa nó vào trạng thái cuối cùng để có thể sử dụng được. Vì vậy, điều này nghĩa là làm cho hình ảnh đầy màu sắc, sắc nét và sẵn sàng xuất bản.

Tệp RAW thì hoàn toàn không được chỉnh sửa. Về cơ bản, bạn có thể coi nó như là một “bức tranh trống” – dữ liệu đã sẵn sàng để bạn chỉnh sửa thành hình ảnh cuối cùng, với những chỉnh sửa mà bạn muốn thực hiện thay vì những gì mà máy ảnh áp dụng. Vì vậy, mặc dù điều này làm cho hình ảnh ban đầu bạn nhìn thấy sẽ không quá ấn tượng như phiên bản JPG, nhưng bạn hoàn toàn có tiềm năng tạo ra thứ gì đó ấn tượng hơn.

Cách bật RAW trên Máy ảnh / Smartphone

Các bước bạn cần thực hiện để bật hỗ trợ RAW sẽ khác nhau giữa các nhà sản xuất thiết bị, nhưng thường sẽ liên quan đến việc bạn truy cập cài đặt chất lượng hình ảnh trong menu hệ thống.

Ví dụ, trên máy ảnh Canon, bạn nhấn nút “Menu” rồi truy cập cài đặt chất lượng hình ảnh từ một trong các màn hình đầu tiên (điều này sẽ thay đổi tùy theo model máy ảnh).

Khi bạn tìm thấy tùy chọn “Image quality”, hãy nhấn nút “Set” để truy cập tùy chọn đó. Sau đó, bạn có thể chọn mức chất lượng RAW (chúng tôi đề xuất tùy chọn chất lượng cao nhất, nếu có). Ngoài ra, bạn cũng có thể điều chỉnh tùy chọn chất lượng JPG tại đây.

Cách bật RAW trên Máy ảnh Canon

Trường hợp bạn vẫn cảm thấy khó khăn, để biết hướng dẫn từng bước cụ thể cho model máy ảnh Canon của bạn, hãy xem qua trang web hỗ trợ của hãng là Canon Support. Tương tự, bạn cũng có thể tìm thấy trên Google trang web hỗ trợ của Nikon, Sony, hay Panasonic,…

Đối với smartphone (bao gồm cả thiết bị iOS và Android) nếu là những mẫu đời mới có hỗ trợ RAW, nó thường sẽ là một nút chuyển đổi bên trong ứng dụng Camera.

Cách bật chụp ảnh RAW trên iPhone



Cách mở tệp RAW

Để mở tệp RAW, lúc này sẽ cần tới một phần mềm hỗ trợ tệp RAW cụ thể do máy ảnh của bạn tạo ra, do RAW không phải là loại tệp được sử dụng quá rộng rãi và chúng còn khác nhau giữa các nhà sản xuất. Để khai thác tối đa tệp RAW của mình, bạn sẽ cần chỉnh sửa nó, sau đó chuyển đổi thành một thứ gì đó giống như JPEG để bạn có thể phân phối nó.

Thông thường, máy ảnh hoặc smartphone của bạn sẽ đi kèm với trình chỉnh sửa và xem tệp RAW, và nhiều trình xem hình ảnh phổ biến cũng hỗ trợ các tệp RAW khác nhau.

Nếu bạn không có trình xem tệp RAW, chúng tôi có thể đề xuất vài lựa chọn như Microsoft Photos, FastRawViewer hoặc một trong các trình chỉnh sửa hình ảnh được liệt kê bên dưới. Với smartphone, trình chỉnh sửa và xem ảnh được tích hợp sẵn sẽ hỗ trợ định dạng tệp RAW trên điện thoại của bạn.

Trình chỉnh sửa ảnh RAW nào tốt nhất?

Bạn có khá nhiều lựa chọn trình chỉnh sửa ảnh RAW cho mình, chẳng hạn như:

  • Adobe Photoshop Lightroom Classic CC (đăng ký hàng tháng / hàng năm, Mac & PC)
  • On1 Photo RAW (đăng ký hàng tháng / hàng năm, Mac & PC)
  • Capture One (mua một lần hoặc đăng ký hàng tháng, Mac & PC)
  • Luminar (mua một lần, Mac & PC)
  • Darktable (free, Mac & PC)
  • RAWtherapee (free, Mac & PC)
  • Phần mềm chỉnh sửa RAW đi kèm với máy ảnh của bạn (free)

Trình chỉnh sửa ảnh RAW Adobe Photoshop Lightroom

Công cụ phổ biến nhất để chỉnh sửa tệp RAW chính là Adobe Lightroom. Nó hỗ trợ cho quy trình chụp ảnh của bạn từ đầu đến cuối, nghĩa là bạn có thể quản lý tất cả ảnh của mình cũng như chỉnh sửa các tệp RAW. Và chúng tôi tin rằng, Adobe Lightroom cũng là sản phẩm có nhiều hướng dẫn trực tuyến nhất, nghĩa là bạn có thể tìm hiểu cách sử dụng nó rất dễ dàng và đầy đủ.

Lời cuối cùng trước khi kết thúc bài viết, nếu bạn có bất kỳ thắc mắc hay góp ý về nội dung chúng tôi đã đề cập trong “Ảnh RAW là gì? Ưu điểm và Nhược điểm khi chụp ảnh RAW“, hãy chia sẻ ý kiến của bạn bằng khung bình luận bên dưới nhé.

Chúc bạn một ngày tốt lành !!!

5/5 - (2 bình chọn)

Có thể bạn sẽ thích

Để lại Bình luận