Là một nhiếp ảnh gia, chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy thất vọng khi chụp bức ảnh về một khoảnh khắc đặc biệt nào đó mà lại bị mờ hoặc “out nét”. Vậy trong bài viết này, mời bạn cùng chúng tôi điểm qua Top 16 cách hay nhất có thể giúp bạn chụp ảnh thật sắc nét.
Nhưng trước hết, hãy bắt đầu với những nguyên nhân phổ biến khiến cho hình ảnh bị mờ:
- Tốc độ màn trập dài có thể gây ra hiện tượng rung máy ảnh, tạo ra hình ảnh mờ.
- Chủ thể của bạn có thể đang chuyển động và gây ra hiện tượng nhòe chuyển động, kiểu này còn tệ hơn do tốc độ màn trập dài.
- Lấy nét kém sẽ dẫn đến hình ảnh mờ.
- Bạn có thể đang sử dụng một ống kính không tốt, hoặc một ống kính không có khả năng tạo ra những bức ảnh sắc nét.
- ISO của bạn có thể đang đặt ở một số rất cao, dẫn đến nhiều hiện tượng nhiễu hạt và mất chi tiết.
Để giải quyết những vấn đề này, tất nhiên bạn phải phải giải quyết tất cả chúng cùng một lúc, qua đó sẽ giúp ảnh đạt được độ sắc nét tối ưu. Ngoài ra, cũng có thêm một số nguyên nhân nhỏ khác dẫn đến ảnh bị mờ mà chúng tôi sẽ trình bày dưới đây.
Cài đặt ISO phù hợp cho Máy ảnh
Hãy bắt đầu với việc cài đặt máy ảnh của bạn về giá trị ISO “cơ sở” (tức là ISO thấp nhất). Nên nhớ rằng, ISO cơ sở của máy ảnh sẽ giúp chụp ra hình ảnh chất lượng cao nhất với độ sắc nét tối đa. Độ nhạy sáng ISO càng cao, tuy giúp ảnh sẽ càng sáng hơn nhưng cũng kèm theo nhiễu hạt nhiều hơn.
Áp dụng quy tắc Hand-Holding
Nếu bạn có một ống kính zoom vượt quá 100mm, bạn nên áp dụng quy tắc hand-holding, nó quy định rằng tốc độ màn trập phải tương đương với độ dài tiêu cự được đặt trên ống kính, hoặc nhanh hơn. Ví dụ, nếu bạn đã zoom ống kính ở mức 125mm, thì tốc độ màn trập của bạn phải ít nhất là 1/125 giây.
Hãy nhớ rằng quy tắc này áp dụng cho film 35mm và máy ảnh kỹ thuật số, vì vậy nếu bạn sở hữu máy ảnh DSLR hoặc máy ảnh Mirrorless cấp thấp có hệ số crop (không phải toàn khung), bạn cần tính toán cho phù hợp. Đối với máy ảnh Nikon có hệ số crop 1.5x, chỉ cần nhân kết quả với 1.5, trong khi đối với máy ảnh Canon, nhân với 1.6.
Nếu bạn có ống kính zoom như 18-135mm (đối với cảm biến Nikon DX), hãy đặt tốc độ màn trập tối thiểu thành dải tiêu cự dài nhất của ống kính (135mm), là 1/200 giây. Dưới đây là một số ví dụ:
- 50mm trên Nikon DX (D3500/D5600/D7500): 1/75 (50mm x 1.5)
- 100mm trên Nikon DX (D3500/D5600/D7500): 1/150 (100mm x 1.5)
- 150mm trên Nikon DX (D3500/D5600/D7500): 1/225 (150mm x 1.5)
- 200mm trên Nikon DX (D3500/D5600/D7500): 1/300 (200mm x 1.5)
- 300mm trên Nikon DX (D3500/D5600/D7500): 1/450 (300mm x 1.5)
Hãy nhớ rằng điều này chỉ ảnh hưởng đến hiện tượng mờ do rung máy. Còn nếu bạn đang chụp ảnh chủ thể chuyển động nhanh, bạn rất có thể cần đến tốc độ màn trập nhanh hơn tốc độ này để có được một bức ảnh sắc nét.
Lựa chọn chế độ chụp “khôn ngoan” cho Máy ảnh
Khi chụp ảnh trong điều kiện ánh sáng yếu, bạn nên chụp ở chế độ “Aperture-Priority” và đặt khẩu độ thành cài đặt rộng nhất trên ống kính (tức khẩu độ tối đa, tương đương f-number nhỏ nhất). Điều này thường nằm trong khoảng f/1.4 tới f/5.6 tùy thuộc vào ống kính.
Ví dụ, với ống kính Nikon 35mm f/1.8, bạn sẽ đặt khẩu độ ở giá trị tối đa là f/1.8. Từ đó, máy ảnh sẽ tự động tính toán cảnh chụp và đưa ra tốc độ màn trập phải là bao nhiêu để hình ảnh phơi sáng phù hợp. Bạn có thể dễ dàng điều chỉnh suy đoán của máy ảnh với bù phơi sáng. Vì vậy, hãy đặt máy ảnh của bạn ở chế độ ưu tiên khẩu độ và đặt khẩu độ thành số f thấp nhất có thể.
Ngoài ra, hãy đặt chế độ đo sáng của bạn thành “Matrix” trên Nikon or “Evaluative” trên Canon, giúp đánh giá toàn bộ cảnh chụp để ước tính tốc độ màn trập chính xác.
Lựa chọn Tốc độ màn trập đủ nhanh
Sau khi bạn đặt máy ảnh của mình ở ưu tiên khẩu độ và chọn chế độ đo sáng phù hợp, hãy hướng máy ảnh vào chủ thể bạn muốn chụp và nhấn nửa chừng nút chụp. Làm như vậy sẽ giúp hiển thị cho bạn tốc độ màn trập ở dưới cùng của kính ngắm.
Nếu tốc độ màn trập hiển thị là 1/100 hoặc nhanh hơn, bạn nên bắt đầu, trừ khi bất kỳ thứ gì trong ảnh của bạn chuyển động nhanh (hoặc nếu bạn đang sử dụng ống kính tele có tiêu cự dài, hãy nhớ lại quy tắc hand-holding ở phần trước). Chụp thử một hoặc hai hình ảnh và xem có bị mờ hay không, rồi xem lại hình ảnh của bạn ở mặt sau máy ảnh và đảm bảo rằng không có gì bị mờ. Nếu bất kỳ thứ gì trong ảnh của bạn bị mờ – toàn bộ hình ảnh, hoặc chỉ một chủ thể chuyển động nhanh – hãy sử dụng tốc độ màn trập nhanh hơn như 1/200 hoặc 1/500 giây.
Mặt khác, nếu tốc độ màn trập dưới 1/100, điều đó có nghĩa là bạn không có đủ ánh sáng. Nếu bạn đang ở trong nhà, hãy mở cửa sổ để ánh sáng lọt vào hoặc bật đèn sẽ giúp tăng tốc độ màn trập của bạn. Mặc dù bạn vẫn có thể chụp được những bức ảnh sắc nét nhanh hơn 1/100 giây ở chế độ cầm tay, nhưng càng ngày sẽ càng khó chụp hơn khi tốc độ màn trập của bạn dài hơn.
Sử dụng ISO cao khi chụp ảnh trong Môi trường tối
Nếu bạn vẫn nhận phải bức ảnh bị mờ, hãy cố gắng giữ máy ảnh thật ổn định và chụp một bức ảnh khác. Nếu điều đó không hữu ích, hãy đặt tốc độ màn trập đủ nhanh và tăng ISO để chụp được những bức ảnh sắc nét. Bạn có thể thực hiện việc này qua Auto ISO (chúng tôi sẽ trình bày trong phần tiếp theo), hoặc tăng ISO theo cách thủ công.
Trong môi trường tối, không có gì lạ khi cần sử dụng mức ISO cao để đạt được tốc độ màn trập đủ nhanh. Mặc dù điều này làm tăng thêm nhiễu hạt cho ảnh, nhưng vẫn thường tốt hơn so với việc chụp ảnh bị mờ.
Bật tính năng Auto ISO cho Máy ảnh
Khá nhiều mẫu máy ảnh ngày nay có tính năng “Auto ISO”, rất hữu ích để giúp bạn chụp được những bức ảnh sắc nét. Vì vậy, hãy đặt nó thành “On”, và đặt độ nhạy sáng tối đa thành ISO 1600.
Nếu bạn có tùy chọn để chọn tốc độ màn trập tối thiểu, hãy đặt nó thành “Auto”, điều này sẽ tự động áp dụng quy tắc hand-holding. Còn nếu bạn không có tùy chọn này, hãy đặt “Minimum shutter speed” thành 1/100 giây.
Đây thực sự là một tính năng hữu ích, vì nếu lượng ánh sáng đi vào ống kính giảm và tốc độ màn trập xuống dưới 1/100 giây, máy ảnh sẽ tự động tăng ISO để giữ tốc độ màn trập trên 1/100 giây hoặc cao hơn quy tắc nắm tay.
Nếu bạn thường bị run tay khi chụp ảnh, chúng tôi khuyên bạn nên tăng “Minimum shutter speed” lên một mức nào đó như 1/200-1/250. Hoặc nếu bạn có tùy chọn tốc độ màn trập tối thiểu “Auto”, hãy ưu tiên nó theo hướng “faster” cho an toàn.
Tuy nhiên, một số máy ảnh không có tính năng Auto ISO. Trong trường hợp đó, bạn sẽ phải điều chỉnh ISO theo cách thủ công để làm điều tương tự. Chỉ cần tăng ISO trong môi trường tối hơn để giữ tốc độ màn trập ở mức hợp lý. Chúng tôi không khuyên bạn nên tăng ISO cao hơn mức ISO 1600 hoặc có thể là ISO 3200. Tại sao lại không nên ư? Rất đơn giản, bất kỳ thứ gì cao hơn mức ISO đó trong máy ảnh DSLR cấp thấp đều tạo ra quá nhiều nhiễu hạt, có tác động tiêu cực đến chất lượng hình ảnh tổng thể. Trên các máy DSLR thế hệ cũ như Nikon D90/D200/D3000/D5000, bạn có thể sẽ muốn giữ ISO tối đa là 800.
Cố gắng giữ Máy ảnh thật ổn định khi chụp
Khi tự cầm máy ảnh bằng tay, có mối liên quan trực tiếp giữa tốc độ màn trập và hình ảnh mờ. Tốc độ màn trập càng dài (đặc biệt là hơn 1/100 giây), tỷ lệ cho lại hình ảnh mờ càng cao. Vì khi cầm máy ảnh bằng tay, các yếu tố như tư thế, nhịp thở, kỹ thuật cầm máy ảnh đều đóng vai trò rất lớn trong việc ổn định máy ảnh và tạo ra những bức ảnh không bị rung.
Cố gắng Lấy nét vào chủ thể thật cẩn thận
Bạn cần biết cách lấy nét chính xác và giải quyết các vấn đề liên quan với nó. Điều này rất quan trọng, vì kỹ thuật lấy nét với máy ảnh của bạn ảnh hưởng trực tiếp đến độ sắc nét của hình ảnh. Nhưng trước đó, điều đầu tiên bạn cần học là cách phân biệt giữa rung máy ảnh / nhòe chuyển động và sự cố lấy nét.
Nếu chủ thể trong hình ảnh của bạn bị mờ, nhưng một thứ gì đó gần máy ảnh hơn (hoặc xa hơn) lại được lấy nét hoàn hảo và sắc nét, thì rất có thể đó là sự cố lấy nét. Nếu toàn bộ hình ảnh bị mờ và không có gì sắc nét, nói chung là do cầm máy ảnh bằng tay và sử dụng tốc độ màn trập quá lâu. Và trường hợp cuối cùng, nếu một chủ thể chuyển động nhanh trong ảnh của bạn bị mờ/có vệt theo hướng di chuyển, thì do tốc độ màn trập của bạn không đủ nhanh để loại bỏ chuyển động của chủ thể. Tuy nhiên, tốc độ màn trập không phải là vấn đề trọng tâm được trình bày ở phần này.
Nếu chính xác bạn đang gặp các sự cố về lấy nét, dưới đây là một số lời khuyên dành cho bạn:
1. Thiếu ánh sáng có thể gây ra sự cố cho autofocus, dẫn đến máy ảnh lấy nét không chính xác. Hãy đảm bảo có nhiều ánh sáng để máy ảnh của bạn lấy nét chính xác.
2. Nói chung, điểm lấy nét trung tâm là chính xác nhất trong máy ảnh. Nếu bạn đang gặp sự cố với việc lấy nét vì điểm lấy nét của bạn nằm ở nơi khác, chúng tôi khuyên bạn nên chuyển nó trở lại trung tâm, lấy nét lại, và bố cục lại.
3. Nhiều máy ảnh cho phép chọn một nút bấm riêng để lấy nét mà không cần phải chạm vào nút nhả màn trập. Bạn có thể cài đặt máy ảnh của mình theo cách này, lấy nét hoàn toàn bằng ngón tay cái, trong khi ấn nút chụp bằng ngón trỏ. Tất nhiên, bạn sẽ phải mất một thời gian để làm quen nếu đã quen với việc nhấn một nửa nút chụp. Tuy nhiên, bạn có thể thấy nó hữu ích khi dùng thử.
4. Hệ thống lấy nét tự động của máy ảnh hoạt động bằng cách xem xét độ tương phản xung quanh vùng lấy nét. Ví dụ, nếu bạn cố gắng lấy nét với máy ảnh của mình trên một bức tường trắng sạch sẽ, máy ảnh sẽ không bao giờ có thể lấy nét, vì nó sẽ không nhìn thấy được bất kỳ vùng tương phản nào. Mặt khác, nếu bạn có một bức tường trắng với một vật thể tối, và bạn đặt điểm lấy nét giữa bức tường và vật thể, máy ảnh của bạn sẽ ngay lập tức lấy nét chính xác. Khuyến nghị của chúng tôi là đặt điểm lấy nét hình chữ nhật trên một khu vực có độ tương phản cao nhất. Ví dụ như các cạnh của vật thể, đường phân cách các màu khác nhau, số và chữ in trên vật thể,…
5. Lấy nét nhiều lần cho đến khi bạn có thể nhìn rõ trong kính ngắm rằng chủ thể đang được lấy nét. Đối với việc này, bạn cần phải có một kính ngắm tốt và một tầm nhìn tốt. Một số máy ảnh DSLR cấp thấp có kính ngắm rất nhỏ, khiến bạn khó hoặc thậm chí đôi khi không thể biết được liệu bạn có đang lấy nét chính xác hay không. Thật không may, bạn không thể làm được gì nhiều nếu không thể biết chủ thể có được lấy nét hay không bằng cách nhìn vào kính ngắm, vì vậy chỉ cần chụp nhiều ảnh trong khi liên tục điều chỉnh lấy nét, và xem lại trên màn hình LCD của máy ảnh.
9. Giảm thiểu Mờ chuyển động trên chủ thể
Nếu bạn đang chụp ảnh một người, hãy yêu cầu họ không cử động và không di chuyển trong lúc bạn chụp ảnh họ. Khi bạn chụp với tốc độ màn trập chậm, kể cả bạn làm đúng mọi thứ, hình ảnh của bạn vẫn có thể bị mờ chỉ vì chủ thể của bạn “vẫn có chuyển động” trong khi màn trập đang mở. Đây được gọi là mờ chuyển động.
Nhưng đôi khi, mọi người lại thích hiệu ứng làm mờ chuyển động, đặc biệt là đối với các vật thể tốc độ cao như xe máy, ô tô, cánh quạt,… Để tái tạo hiệu ứng này trên máy ảnh của bạn, hãy đặt máy ảnh của bạn ở chế độ Shutter-Priority, sau đó đặt tốc độ màn trập thành 1/100 giây hoặc ít hơn. Yêu cầu chủ thể của bạn cử động tay của họ một cách nhanh chóng, trong khi không di chuyển cơ thể. Kết quả sẽ là một bức ảnh sắc nét về cơ thể của người đó, trong khi có chuyển động mờ trên tay của họ.
Như bạn có thể thấy từ hình ảnh trên, mọi thứ trong hình ảnh đều sắc nét, trong khi cánh quạt bị mờ do hiệu ứng mờ chuyển động. Nó được đặc biệt tạo ra bằng cách chụp ở tốc độ cửa màn thấp, 1/20 giây.
Một ví dụ khác về hiệu ứng mờ chuyển động, bức ảnh những lá cờ được chụp vào ban đêm cùng với tripod (tốc độ màn trập là 2 giây):
Vì vậy, nếu bạn muốn có mờ chuyển động, hãy sử dụng tốc độ màn trập dài như 1/10 giây hoặc thậm chí vài giây (nếu bạn có gắn thêm tripod). Nhưng thuông thường, bạn sẽ muốn tránh hiện tượng mờ chuyển động khi chụp ảnh người hoặc cảnh hành động, lúc đó hãy đảm bảo bạn sử dụng tốc độ màn trập đủ nhanh. Quy tắc hand-holding sẽ không áp dụng nếu chủ thể của bạn đang chuyển động rất nhanh, bởi vì tất cả chỉ nhằm loại bỏ hiện tượng mờ do rung máy ảnh chứ không phải loại bỏ mờ chuyển động khỏi chủ thể của bạn. Ví dụ, đối với ảnh chụp chim ruồi, thậm chí bạn có thể đặt 1/1000 giây hoặc 1/2000 giây mà cánh vẫn bị mờ.
Bật tính năng Giảm rung của Máy ảnh
Đảm bảo rằng tính năng giảm rung (vibration reduction – VR trên Nikon) hoặc ổn định hình ảnh (image stabilization – IS trên Canon) được đặt thành “On” trên ống kính của bạn, nếu bạn có chúng. Nhiều ống kính zoom giá rẻ hơn vẫn có một số loại công nghệ chống rung/giảm rung, cho phép chụp ở tốc độ màn trập thấp hơn và vẫn có được hình ảnh sắc nét. Vì vậy, nếu bạn có một trong những ống kính đó, hãy tiếp tục sử dụng tính năng và thử giảm tốc độ màn trập xuống thấp hơn.
Thậm chí, bạn có thể giảm “minimum shutter speed” trong cài đặt Auto ISO xuống 1/50 giây mà vẫn có được hình ảnh sắc nét.
Sử dụng ống kính nhanh hơn cho Máy ảnh
Bạn có thể cân nhắc sử dụng loại ống kính một tiêu cự cao cấp, chẳng hạn như Nikon 35mm f/1.8 DX hoặc 50mm f/1.4 / f/1.8. Những ống kính một tiêu cự này có giá bán tương đối hợp lý, dao động từ 200$ đến 400$ cho model f/1.4.
Rất ít ống kính zoom có thể đạt được chất lượng quang học tương tự như ống kính một tiêu cự, vì ống kính một tiêu cự có thiết kế đơn giản hơn và được tối ưu hóa chỉ cho một dải tiêu cự. Mặc dù bạn mất đi khả năng phóng to và thu nhỏ, nhưng ống kính một tiêu cự nhanh hơn nhiều so với hầu hết các ống kính zoom, là lựa chọn tuyệt vời để chụp ảnh chân dung và chụp ảnh với ánh sáng yếu.
Do độ sâu trường ảnh “nông”, ống kính một tiêu cự cũng có khả năng tạo ra những bức ảnh có hiệu ứng bokeh tuyệt đẹp (hậu cảnh được làm mờ độc đáo). Nếu bạn chưa bao giờ sử dụng ống kính một tiêu cự trước đây, hãy thử và bạn sẽ không phải hối tiếc.
Tận dụng Độ sâu trường ảnh một cách hợp lý
Khi chụp ảnh người hoặc con vật, hãy luôn lấy nét vào mắt gần bạn nhất. Điều này rất quan trọng, đặc biệt là khi xử lý các khẩu độ lớn từ f/1.4 đến f/2.8, vì độ sâu trường ảnh của bạn sẽ rất nông. Miễn là mắt của chủ thể sắc nét, tổng thể hình ảnh rất có thể sẽ ở mức chấp nhận được.
Lựa chọn một Khẩu độ “sắc nét” cho Máy ảnh
Khẩu độ cũng đóng góp một vai trò không nhỏ trong việc đạt được độ sắc nét tối ưu. Đối với chụp ảnh phong cảnh, bạn nên sử dụng khẩu độ từ f/8 đến f/11, đối với chụp ảnh chân dung, nên sử dụng khẩu độ từ f/1.4 đến f/8, tùy thuộc vào những gì bạn muốn làm với hậu cảnh.
Hầu hết các ống kính đều sắc nét nhất trong khoảng từ f/5.6 đến f/8, vì vậy nếu bạn chụp ảnh trong một ngày nắng chói chang, hãy thử đặt khẩu độ thành một số từ giữa f/4 đến f/8 và xem nó có tạo ra sự khác biệt hay không. Bạn chỉ cần lưu ý rằng, thay đổi khẩu độ sẽ thay đổi độ sâu trường ảnh và sẽ ảnh hưởng đến hiệu ứng bokeh của ống kính, chúng thường quan trọng hơn hiệu ứng độ sắc nét.
Làm sạch ống kính Máy ảnh
Điều này thì hiển nhiên và ai cũng có thể dễ dàng hiểu được, nếu làm bề mặt của ống kính bị chắc chắn sẽ khiến cho việc lấy nét với máy ảnh không chính xác và độ tương phản hình ảnh kém. Vì vậy, hãy đảm bảo vệ sinh ống kính của bạn thường xuyên và đúng cách.
Gắn thêm Tripod khi chụp ảnh với Ánh sáng yếu
Hãy sử dụng tripod cho các tình huống thiếu sáng. Vì để chụp các cảnh như sấm chớp, pháo hoa, ánh đèn thành phố, và nhiều thứ hay ho thú vị khác vào ban đêm, bạn cần gắn thêm một chân máy thật chắc chắn!
Bạn đừng nên ham mua một chiếc tripod giá rẻ được thiết kế cho máy ảnh ngắm và chụp, mà hãy đầu tư vào một chiếc tripod đầm và chắc chắn, để nó có thể làm việc với máy ảnh DSLR hoặc máy ảnh Mirrorless cao cấp của bạn. Có thêm chế độ hẹn giờ hoặc nhả màn trập bằng cáp / không dây cũng rất hữu ích để giảm thiểu rung máy ảnh.
Sử dụng chế độ Chụp hàng loạt trên Máy ảnh
Hãy thử đặt chế độ chụp trên máy ảnh của bạn ở “continuous shooting” (hay còn được gọi là chế độ burst), sau đó chụp liên tục chủ thể của bạn bằng cách chỉ giữ nút chụp.
Đặc biệt, nếu bạn đang chụp một chủ thể chuyển động như trẻ em, chế độ chụp liên tục giúp tăng tỷ lệ bạn sẽ có được một bức ảnh đúng như ý muốn. Với hầu hết các máy ảnh hiện nay, bạn có thể chụp ít nhất 3 ảnh mỗi giây, và thường là 4 hoặc 5. Với một chút động tác lia máy để dõi theo chủ thể, bạn có thể có được những bức ảnh sắc nét ngay cả khi chủ thể không đứng yên.
- Nhiếp ảnh là gì?
- Tốc độ màn trập là gì?
- Khẩu độ Máy ảnh là gì?
- F-Stop là gì?
- ISO máy ảnh là gì?
- Bố cục trong Nhiếp ảnh
- Đo sáng là gì?
- Chế độ chụp trên Máy ảnh
- Lấy nét là gì?
- Cách sử dụng đèn Flash khi chụp ảnh
- Mẹo chụp ảnh với đèn Flash
- Cách cài đặt Máy ảnh
- Cách chụp sắc nét với Máy ảnh
- Mẹo chụp ảnh đẹp
- Ý tưởng chụp ảnh
- Nên chụp ảnh RAW hay JPG?
Lời cuối cùng trước khi kết thúc bài viết, nếu bạn có bất kỳ thắc mắc hay góp ý về nội dung chúng tôi đã đề cập trong “Top 16 cách giúp bạn chụp thật sắc nét, rõ nét với Máy ảnh“, hãy chia sẻ ý kiến của bạn bằng khung bình luận bên dưới nhé.
Chúc bạn một ngày tốt lành !!!