Việc hiểu rõ được các chế độ chụp trên máy ảnh là điều cần thiết để kiểm soát độ phơi sáng trong nhiếp ảnh. Cho dù bạn là người mới bắt đầu, nghiệp dư hay bán chuyên, bạn vẫn nên tìm hiểu mỗi chế độ chụp có chức năng gì và nên sử dụng nó khi nào, trong hoàn cảnh nào.
Chế độ chụp trên Máy ảnh là gì?
Chế độ chụp trên máy ảnh cho phép nhiếp ảnh gia kiểm soát các thông số của độ phơi sáng, cụ thể là tốc độ màn trập, khẩu độ và ISO. Trong khi một số chế độ nhất định có thể tự động hóa máy ảnh hoàn toàn, vẫn có những chế độ khác cho phép người chụp điều khiển thủ công một số (hoặc tất cả) các thông số của phơi sáng.
Thời xưa cũ, không có cái gọi là chế độ máy ảnh (camera mode) – mà tất cả đều là thủ công. Các nhiếp ảnh gia đã phải tự tay thiết lập khẩu độ, tốc độ màn trập và chọn loại film phù hợp cho máy ảnh của họ. Để đánh giá cường độ và lượng ánh sáng, họ phải sử dụng các loại thiết bị đo sáng đặc biệt để đo đếm và cung cấp thông tin về độ phơi sáng, sau đó họ sẽ đưa vào sử dụng trong máy ảnh của mình.
Vào năm 1938, Kodak giới thiệu một chiếc máy ảnh film có tích hợp sẵn thiết bị đo ánh sáng, và cho tới năm 1962, một công ty Nhật Bản có tên là “Topcon” đã ra mắt chiếc máy ảnh SLR đầu tiên có thể đo ánh sáng đi qua ống kính vào máy ảnh. Điều này nghĩa là, các nhiếp ảnh gia không còn cần phải mang theo các thiết bị đo ánh sáng bên mình nữa cho rối rắm – máy ảnh sẽ làm điều đó cho họ. Qua đó chế độ “Automatic” cũng bắt đầu xuất hiện, chế độ này sẽ đánh giá lượng ánh sáng đi qua ống kính, ngay sau đó sẽ tự động chọn các thông số phơi sáng phù hợp để tạo ra một bức ảnh được phơi sáng tốt.
Ngày nay, hầu hết các máy ảnh kỹ thuật số đều có nhiều chế độ chụp khác nhau, và chúng có thể được sử dụng trong các trường hợp khác nhau. Trong khi hầu hết các máy ảnh ngắm và chụp đều tập trung vào các chế độ tự động vì mục đích đơn giản hóa mọi thứ, các máy ảnh cao cấp hơn thì có các chế độ cho phép kiểm soát cả phơi sáng tự động và thủ công.
Các chế độ chụp trên Máy ảnh
Dưới đây là bốn chế độ chụp chính, chúng có thể được tìm thấy trong hầu hết các máy ảnh kỹ thuật số hiện nay:
- Program (P) – Chương trình
- Shutter Priority (Tv) hoặc (S) – Ưu tiên Tốc độ màn trập
- Aperture Priority (Av) hoặc (A) – Ưu tiên Khẩu độ
- Manual (M) – Thủ công
1. Program mode (chế độ Chương trình)
Khi đặt ở “Program mode”, máy ảnh tự động chọn khẩu độ và tốc độ màn trập giúp bạn, dựa trên lượng ánh sáng đi qua ống kính. Đây là chế độ bạn sẽ muốn sử dụng cho những khoảnh khắc ngắm và chụp, khi bạn chỉ cần chụp nhanh một bức ảnh.
Máy ảnh sẽ cố gắng cân bằng giữa khẩu độ và tốc độ màn trập, tăng và giảm cả hai dựa trên cường độ ánh sáng môi trường. Nếu bạn hướng máy ảnh vào vùng sáng, khẩu độ sẽ tự động tăng lên một số lớn hơn, trong khi vẫn giữ tốc độ màn trập nhanh hợp lý. Hướng máy ảnh vào vùng tối hơn sẽ giảm khẩu độ xuống một số thấp hơn, để duy trì tốc độ màn trập nhanh phải chăng. Nếu không có đủ ánh sáng, khẩu độ ống kính sẽ ở số thấp nhất (khẩu độ tối đa), trong khi tốc độ màn trập sẽ tiếp tục giảm cho đến khi đạt đến độ phơi sáng thích hợp.
Tuy nhiên, bạn không nên sử dụng chế độ này, vì nó không cho bạn nhiều quyền kiểm soát độ phơi sáng. Có một cách để ghi đè tốc độ màn trập và khẩu độ do máy ảnh tự đoán ra, đó là xoay chuyển nút điều khiển (trên máy ảnh Nikon, đó là nút xoay ở mặt sau của máy ảnh). Nếu bạn xoay nút điều khiển về phía bên trái, máy ảnh sẽ giảm tốc độ màn trập và tăng khẩu độ. Còn nếu bạn xoay về phía bên phải, máy ảnh sẽ tăng tốc độ màn trập và giảm khẩu độ. Về cơ bản, nếu bạn cần có tốc độ màn trập nhanh hơn cho mục đích chụp đóng băng hành động, bạn sẽ xoay mặt số sang phải, và nếu bạn cần có độ sâu trường ảnh lớn, bạn sẽ xoay mặt số sang trái.
2. Shutter-Priority mode (chế độ Ưu tiên Tốc độ màn trập)
Khi đặt ở “Shutter Priority mode”, bạn đặt tốc độ màn trập của máy ảnh theo cách thủ công và máy ảnh tự động chọn khẩu độ phù hợp cho bạn, dựa theo lượng ánh sáng đi qua ống kính. Chế độ này được thiết kế để sử dụng khi chuyển động cần được đóng băng, hay ngược lại là cố ý làm mờ chuyển động.
Nếu có quá nhiều ánh sáng, máy ảnh sẽ tăng khẩu độ ống kính lên một số cao hơn, làm giảm lượng ánh sáng đi qua ống kính. Nếu không đủ ánh sáng, máy ảnh sẽ giảm khẩu độ xuống con số thấp nhất, để nhiều ánh sáng đi qua ống kính hơn. Vì vậy, ở Shutter Priority mode, tốc độ màn trập vẫn giữ nguyên (như là lúc bạn đã tự đặt nó), trong khi khẩu độ tự động tăng và giảm, dựa trên lượng ánh sáng. Ngoài ra, bạn không có quyền kiểm soát đối với việc cô lập chủ thể, vì bạn đang để máy ảnh kiểm soát độ sâu trường ảnh.
Bạn cũng nên cố gắng không sử dụng chế độ này, vì sẽ có nguy cơ nhận phải những bức ảnh thừa sáng hoặc thiếu sáng. Lý do tại sao ư? Bởi vì nếu lượng ánh sáng xung quanh không đủ, và bạn đặt tốc độ màn trập ở một con số thực sự cao, thì khả năng phơi sáng của bạn sẽ bị giới hạn ở khẩu độ / tốc độ của ống kính.
Ví dụ: nếu khẩu độ tối đa của ống kính là f/4.0, máy ảnh sẽ không thể sử dụng khẩu độ thấp hơn f/4.0 và vẫn sẽ chụp ở tốc độ màn trập nhanh mà bạn đã đặt thủ công. Kết quả sẽ là một bức ảnh thiếu sáng. Đồng thời, nếu bạn sử dụng tốc độ màn trập quá chậm khi có nhiều ánh sáng, ảnh sẽ bị dư sáng và lóa mắt.
3. Aperture-Priority mode (chế độ Ưu tiên Khẩu độ)
Khi ở “Aperture Priority mode”, bạn đặt khẩu độ ống kính theo cách thủ công, trong khi máy ảnh tự động chọn tốc độ màn trập phù hợp để phơi sáng hình ảnh một cách chính xác. Bạn có toàn quyền kiểm soát việc cô lập đối tượng và bạn có thể “thỏa sức vui chơi” với độ sâu trường ảnh, vì bạn có thể tăng hoặc giảm khẩu độ ống kính và để máy ảnh thực hiện phép toán đo tốc độ màn trập phù hợp. Nếu có quá nhiều ánh sáng, máy ảnh sẽ tự động tăng tốc độ màn trập, trong khi nếu bạn ở trong môi trường thiếu sáng, máy ảnh sẽ giảm tốc độ màn trập. Hầu như không có nguy ảnh thừa sáng hoặc thiếu sáng, vì tốc độ màn trập có thể xuống mức thấp trong 30 giây và nhanh nhất là 1/4000-1/8000 giây (tùy thuộc vào loại máy ảnh), nhiêu đó là đủ, hay thậm chí là dư thừa cho hầu hết các điều kiện ánh sáng.
Đây là chế độ chụp nên sử dụng cho máy ảnh, vì bạn có toàn quyền kiểm soát độ sâu trường ảnh, và bạn biết rằng hình ảnh sẽ được phơi sáng thích hợp trong các tình huống bình thường. Hệ thống đo sáng trong hầu hết các máy ảnh hiện đại hoạt động rất tốt và bạn hãy để máy ảnh tự tính toán và kiểm soát tốc độ màn trập.
4. Manual mode (chế độ Thủ công)
Như cái tên cho thấy, “Manual mode” là việc tự kiểm soát bằng tay đối với cả khẩu độ và tốc độ màn trập. Trong chế độ này, bạn có thể đặt thủ công cả khẩu độ và tốc độ màn trập thành bất kỳ giá trị nào bạn muốn – máy ảnh cho phép bạn kiểm soát hoàn toàn những thứ điều khiển độ phơi sáng.
Chế độ này thường được sử dụng trong các tình huống mà máy ảnh gặp khó khăn trong việc tự động xác định độ phơi sáng chính xác, như là trong các điều kiện ánh sáng khắc nghiệt. Ví dụ: nếu bạn đang chụp một cảnh có vùng nào đó rất sáng, máy ảnh có thể đoán sai độ phơi sáng và dẫn tới thừa sáng hoặc thiếu sáng cho phần còn lại của bức ảnh. Trong những trường hợp đó, bạn có thể đặt máy ảnh của mình ở chế độ thủ công, sau đó đánh giá lượng ánh sáng ở các vùng tối hơn và sáng hơn, rồi ghi đè độ phơi sáng bằng các cài đặt của riêng bạn.
Chế độ thủ công cũng hữu ích để đảm bảo tính nhất quán, nếu bạn cần đảm bảo rằng cả tốc độ màn trập và khẩu độ đều giống nhau trong nhiều lần phơi sáng. Ví dụ: để ghép ảnh panorama (ảnh toàn cảnh) đúng cách, tất cả các bức ảnh nhỏ hơn bạn đang cố gắng ghép lại với nhau cần phải có cùng tốc độ màn trập và khẩu độ. Nếu không, một số bức ảnh sẽ tối hơn, trong khi những bức ảnh khác lại sáng hơn. Khi bạn đặt tốc độ màn trập và khẩu độ thành các giá trị bạn chọn ở chế độ thủ công, tất cả bức ảnh của bạn đều sẽ có độ phơi sáng nhất quán.
Tóm lại, bạn chỉ nên sử dụng chế độ này trong các tình huống ánh sáng khắc nghiệt, khi chụp ảnh panorama hoặc khi sử dụng đèn flash trên máy ảnh (hay đèn flash ngoài).
Cách đặt chế độ chụp trên Máy ảnh
Nút xoay chỉnh chế độ chụp trên máy ảnh thường trông rất rõ ràng trên hầu như tất cả các loại máy ảnh, kể cả máy ảnh bán chuyên và cấp thấp hơn – đó là một nút tròn lớn có thể xoay được, trên đó có các chế độ được liệt kê là “P”, “S”, “A” và “M” (Nikon DSLR) và “P”, “Tv”, “Av” và “M” (Canon DSLR).
Bạn hãy xem qua các ảnh mẫu nút xoay chế độ chụp, đầu tiên là trên máy ảnh Nikon D5000 DSLR (được khoanh tròn màu đỏ):
Và tương tự trên máy ảnh Canon 50D:
Còn trên các loại máy ảnh chuyên nghiệp, nút xoay chế độ chụp có thể không giống nhau. Như trên máy ảnh Nikon D300s là một nút nhỏ “Mode” ở phía góc trên bên phải của máy ảnh:
Độ nhạy sáng ISO thì sao?
Trong hầu hết các máy ảnh DSLR, độ nhạy sáng ISO không tự động thay đổi trong các chế độ chụp kể trên, vì vậy bạn phải cài đặt theo cách thủ công.
Nếu bạn không muốn luôn đặt ISO theo cách thủ công và có tính năng “Auto ISO” trong máy ảnh của mình, hãy bật tính năng này, sau đó đặt ISO tối đa thành “800-1600” và tốc độ màn trập tối thiểu của bạn là 1/200 giây. Nếu bạn nhận thấy quá nhiều nhiễu hạt, hãy thay đổi ISO tối đa của bạn thành một số thấp hơn. Nếu bạn không có tính năng “Auto ISO”, hãy đặt ISO của bạn thành số ISO thấp nhất và chỉ tăng nó trong các tình huống thiếu sáng.
Còn về các chế độ chụp khác trên Máy ảnh?
Nhiều máy ảnh bán chuyên và cấp thấp hơn có các chế độ khác, như là:
- Portrait (Chân dung)
- Landscape (Phong cảnh)
- Macro (Cận cảnh)
- Sports (Thể thao)
- Night (Ban đêm)
Máy ảnh chuyên nghiệp thì KHÔNG có các chế độ này. Tuy nhiên, dưới đây là ba lý do có thể sẽ khiến bạn không muốn sử dụng tới chúng:
- Chúng chỉ đơn giản là sự kết hợp của bốn chế độ chụp kể trên, rồi sau đó cộng với một số cài đặt dành riêng cho máy ảnh.
- Các máy ảnh khác nhau có các chế độ tùy chỉnh khác nhau, và bạn không nên làm quen với bất kỳ chế độ chụp nào trong số chúng. Nếu bạn chuyển sang một thương hiệu máy ảnh khác hoặc quyết định chi tiền mua một chiếc máy ảnh chuyên nghiệp, bạn có thể bị “lạc lối”, chỉ vì bạn đã quá phụ thuộc vào một chế độ tùy chỉnh cụ thể.
- Khi bạn đã nắm bắt được mọi thứ, tất cả các chế độ tùy chỉnh này chưa chắc đã tối ưu bằng chế độ bạn tự thiết lập ra.
- Nhiếp ảnh là gì?
- Tốc độ màn trập là gì?
- Khẩu độ Máy ảnh là gì?
- F-Stop là gì?
- ISO máy ảnh là gì?
- Bố cục trong Nhiếp ảnh
- Đo sáng là gì?
- Chế độ chụp trên Máy ảnh
- Lấy nét là gì?
- Cách sử dụng đèn Flash khi chụp ảnh
- Mẹo chụp ảnh với đèn Flash
- Cách cài đặt Máy ảnh
- Cách chụp sắc nét với Máy ảnh
- Mẹo chụp ảnh đẹp
- Ý tưởng chụp ảnh
- Nên chụp ảnh RAW hay JPG?
Lời cuối cùng trước khi kết thúc bài viết, nếu bạn có bất kỳ thắc mắc hay góp ý về nội dung chúng tôi đã đề cập trong “Chế độ chụp trên Máy ảnh là gì? Hướng dẫn sử dụng chúng hiệu quả nhất“, hãy chia sẻ ý kiến của bạn bằng khung bình luận bên dưới nhé.
Chúc bạn một ngày tốt lành !!!