Home Mẹo Vặt Cuộc Sống ISO máy ảnh là gì? Bài hướng dẫn hoàn chỉnh về cách sử dụng ISO

ISO máy ảnh là gì? Bài hướng dẫn hoàn chỉnh về cách sử dụng ISO

by Hoàng Trần



ISO được coi là một trong ba “trụ cột” của nhiếp ảnh (còn lại là tốc độ màn trậpkhẩu độ), nó có ảnh hưởng khá lớn đến những bức ảnh bạn chụp ra. Vậy nếu bạn là người mới bắt đầu, trong bài viết này chúng tôi sẽ cố gắng trình bày ngắn gọn và dễ hiểu về chủ đề ISO máy ảnh là gì, cũng như cách sử dụng ISO sao cho đem lại kết quả tốt nhất.

ISO máy ảnh là gì? Bài hướng dẫn hoàn chỉnh về cách sử dụng ISO

ISO máy ảnh là gì?

Độ nhạy sáng ISO chỉ đơn giản là một cài đặt máy ảnh sẽ làm sáng hoặc tối một bức ảnh. Khi bạn tăng dần số ISO, ảnh bạn chụp sẽ sáng dần lên và ngược lại. Vì lý do đó, ISO có thể giúp bạn chụp ảnh trong môi trường tối tốt hơn, hay giúp bạn linh hoạt hơn trong hai cài đặt còn lại là khẩu độ và tốc độ màn trập.

Tuy nhiên, bạn cần phải lưu ý rằng việc tăng cao ISO cũng mang lại những “tác dụng phụ” không mong muốn. Một bức ảnh được chụp ở ISO quá cao sẽ xuất hiện rất nhiều hạt, còn được gọi là hiện tượng nhiễu hạt và có thể không thể sử dụng được. Vì vậy, làm sáng ảnh qua ISO luôn cần tới một sự cân bằng.

Tốt nhất, bạn chỉ nên tăng ISO khi không thể làm sáng ảnh qua tốc độ màn trập hoặc khẩu độ (ví dụ, nếu sử dụng tốc độ màn trập lâu hơn sẽ khiến đối tượng của bạn bị mờ).

Độ nhạy sáng ISO

Bạn có thể thấy ảnh sáng hơn bao nhiêu khi tăng dần ISO từ 100 đến 1600.

Ý nghĩa của ISO máy ảnh là gì?

ISO là viết tắt của cụm từ “International Organization for Standardization” (dịch ra là “Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế”). Tuy nhiên, ISO máy ảnh thì lại không đề cập trực tiếp đến tổ chức tạo ra các tiêu chuẩn sản phẩm và công nghệ khác nhau.

Kể từ khi hai tiêu chuẩn film gọi là ASA và DIN được kết hợp thành tiêu chuẩn ISO vào năm 1974 (sau đó được sửa đổi cho cả nhiếp ảnh film và nhiếp ảnh kỹ thuật số), chúng được gọi chung với một từ “ISO” kể từ thời điểm đó. Mặc dù ban đầu ISO chỉ định nghĩa cho độ nhạy của film, nhưng về sau nó đã được các nhà sản xuất máy ảnh kỹ thuật số áp dụng với mục đích duy trì mức độ sáng tương tự như film.

Các giá trị ISO chung

Mỗi loại máy ảnh có phạm vi giá trị ISO khác nhau (đôi khi được gọi là độ nhạy sáng ISO) mà bạn có thể sử dụng. Nhưng thông thường, có một tập hợp giá trị phổ biến như sau:

  • ISO 100 (ISO thấp)
  • ISO 200
  • ISO 400
  • ISO 800
  • ISO 1600
  • ISO 3200
  • ISO 6400 (ISO cao)

Có thể hiểu rất đơn giản thế này, khi bạn tăng gấp đôi độ nhạy sáng ISO, bạn đang tăng gấp đôi độ sáng của bức ảnh. Vì vậy, một bức ảnh ở ISO 400 sẽ sáng hơn gấp đôi so với ISO 200, và gấp bốn so với ISO 100.

ISO cơ sở là gì?

ISO gốc thấp nhất trên máy ảnh của bạn là “ISO cơ sở” (base ISO). Đây là một cài đặt rất quan trọng, vì nó cho bạn khả năng chụp ra được chất lượng hình ảnh cao nhất, giảm thiểu nhiễu hạt nhiều nhất có thể. Một số máy ảnh DSLR cũ hơn, chẳng hạn như Fuji X-T2 có ISO cơ sở là 200, trong khi hầu hết các máy ảnh kỹ thuật số hiện đại có ISO cơ sở là 100.

Tốt nhất, bạn nên luôn cố gắng tuân theo ISO cơ sở để có được chất lượng hình ảnh cao nhất. Tuy nhiên, không phải lúc nào bạn cũng có thể làm được như vậy, đặc biệt là khi chụp ảnh trong điều kiện thiếu sáng.

Nhiễu hạt ở ISO thấp và ISO cao

Bạn hãy xem qua ví dụ so sánh hai bức ảnh bên dưới, chúng được chụp ở các giá trị ISO khác nhau. Chú ý đến mức độ nhiễu (hạt nhỏ và màu sắc lốm đốm) trong ảnh:

Mức độ nhiễu hạt ở ISO 200 và ISO 3200

Mức độ nhiễu hạt ở ISO 200 và ISO 3200.

Sự khác biệt là rất rõ để nhìn thấy, bức ảnh chụp ở ISO 3200 nhiễu hạt nhiều hơn so với bức ảnh ở ISO 200 (thay vì tăng cao ISO, bạn có thể làm sáng ảnh với tốc độ màn trập dài). Đây là lý do tại sao bạn nên tránh đặt ISO cao bất cứ khi nào có thể, trừ khi trong điều kiện bắt buộc phải sử dụng tới.

Cách thay đổi ISO máy ảnh

Thao tác thay đổi ISO sẽ khác nhau giữa các loại máy ảnh. Dưới đây là một số cách phổ biến để thay đổi ISO:

  • Để bắt đầu, hãy vào một chế độ cho phép bạn tự chọn ISO. Thoát khỏi chế độ Auto và chuyển đến Manual, Shutter Priority, Aperture Priority, hoặc Program (chúng tôi ưa thích hơn các chế độ Aperture Priority và Manual).
  • Đối với loại máy ảnh DSLR và máy ảnh Mirrorless cấp thấp hơn, bạn có thể cần mở menu (hoặc có thể là “quick menu”) và tìm đến phần ISO. Chọn giá trị mà bạn muốn, hoặc đặt nó thành Auto.
  • Đối với các loại máy ảnh cao cấp hơn, chúng có thể có luôn nút ISO vật lý chuyên dụng. Hãy nhấn và xoay vòng nó để thay đổi cài đặt ISO của bạn. Nếu bạn không thấy nút nào có nhãn ISO, vẫn có khả năng máy ảnh cho phép bạn thiết lập một cái để thực hiện tác vụ này.
  • Thậm chí, một số loại máy ảnh khác có thể còn có một nút xoay chuyên dụng đã được đánh dấu các cài đặt ISO khác nhau. Điều này làm cho mọi thứ trở nên dễ dàng, trực quan hơn rất nhiều.

Nếu vẫn không chắc chắn, hãy kiểm tra và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng máy ảnh của bạn. Tuy nhiên, bạn nên làm quen với cách thay đổi cài đặt ISO của mình một cách nhanh chóng vì đó là thứ bạn có thể sẽ phải điều chỉnh khá thường xuyên, đặc biệt nếu bạn chụp trong điều kiện ánh sáng yếu mà không có trợ giúp của tripod hoặc đèn flash.

Bạn nên sử dụng ISO máy ảnh nào?

Nhiều nhiếp ảnh gia hiểu được những điều cơ bản về ISO, nhưng họ không chắc chắn giá trị ISO nào sẽ thực sự cần chọn trong từng trường hợp. Trên thực tế, có một lý do tại sao máy ảnh của bạn cho phép cài đặt nhiều giá trị ISO như vậy: các tình huống khác nhau yêu cầu các ISO khác nhau.

Trong các phần tiếp theo, chúng tôi sẽ trình bày một vài trường hợp phổ biến mà bạn có thể gặp phải.

Khi nào nên sử dụng ISO thấp?

Như đã thảo luận ở trên, bạn nên luôn cố gắng duy trì ISO thấp nhất (ISO cơ sở) của máy ảnh bất cứ khi nào có thể, thường là ISO 100 hoặc 200. Nếu ở môi trường chụp có nhiều ánh sáng, bạn có thể thoải mái sử dụng ISO thấp và giảm thiểu được sự xuất hiện nhiễu hạt nhiều nhất có thể.

Thậm chí ngay cả trong môi trường thiếu sáng hoặc ban đêm, bạn vẫn có thể sử dụng ISO thấp. Ví dụ, nếu bạn lắp máy ảnh trên tripod hoặc đặt nó hoàn toàn nằm yên trên bàn. Trong trường hợp đó, bạn có thể sử dụng ISO thấp một cách an toàn và làm sáng bức ảnh của mình thông qua tốc độ màn trập dài, vì bạn sẽ không làm rung máy ảnh như khi tự cầm trên tay.

Tuy nhiên, hãy nhớ rằng nếu máy ảnh của bạn sử dụng tốc độ màn trập dài (long shutter speed), bất kỳ thứ gì đang chuyển động sẽ trông giống như một “bóng ma”:

Bức ảnh chụp ở Tốc độ màn trập dài

Bức ảnh chụp ở Tốc độ màn trập dài, đối tượng di chuyển nhìn sẽ giống như “bóng ma”.

Khi nào nên sử dụng ISO cao?

Mặc dù lý tưởng nhất là sử dụng ISO thấp, nhưng sẽ có nhiều lúc ISO cao vẫn là cần thiết để có được một bức ảnh đẹp ngay từ đầu, không cần trải qua nhiều công đoạn chỉnh sửa phức tạp. Lý do đơn giản là bạn thường khắc phục lại hiện tượng nhòe do chuyển động, và bạn sẽ cần phải chọn giữa một bức ảnh sắc nét ở ISO cao hoặc một bức ảnh mờ ở ISO thấp. Hãy xem bức ảnh ví dụ bên dưới:

Bức ảnh được chụp ở ISO 800 và Tốc độ màn trập 1/2000

Bức ảnh được chụp ở ISO 800 và Tốc độ màn trập 1/2000.

Bức ảnh những chú chim này được chụp ở tốc độ màn trập 1/2000 giây và ISO 800. Ở đây, máy ảnh cần tốc độ chụp 1/2000 giây để đóng băng hoàn toàn chuyển động của những chú chim khi chúng đang bay. Và điều gì sẽ xảy ra nếu đặt ISO 100 trên máy ảnh? Bạn sẽ cần tốc độ màn trập chậm hơn, như 1/250 giây để chụp được một bức ảnh sáng rõ. Nhưng ở cài đặt đó, sẽ lại có rất nhiều chuyển động mờ không mong muốn trong bức ảnh, vì những chú chim đang di chuyển quá nhanh.

Điểm mấu chốt là bạn nên tăng ISO khi không có đủ ánh sáng, để máy ảnh có thể chụp được một bức ảnh sáng và sắc nét theo bất kỳ cách nào khác. Khi bạn tự cầm máy ảnh chụp trong nhà mà không có đèn flash, bạn nên đặt ISO ở số cao hơn để ghi lại khoảnh khắc mà không bị làm mờ. Hoặc, khi chụp ảnh hành động cực nhanh như trong ảnh những chú chim ở trên, việc tăng ISO thường là cần thiết.

Trên hầu hết các máy ảnh, sẽ có một cài đặt Auto ISO, nó hoạt động tuyệt vời trong môi trường ánh sáng yếu. Cái hay của cài đặt này là bạn có thể nhập ISO tối đa mà bạn sẵn sàng sử dụng, để máy ảnh không vượt qua giới hạn đó. Nếu muốn hạn chế lượng nhiễu hạt trong ảnh, bạn nên đặt ISO tối đa thành ISO 800, 1600 hoặc 3200. Còn về nhược điểm là máy ảnh sẽ bắt đầu sử dụng tốc độ màn trập lâu hơn dần dần nếu nó đạt đến các giới hạn ISO này, dẫn đến nhiều chuyển động nhòe hơn.

Tóm lại, mọi thứ đều là sự đánh đổi!

Giảm thiểu Nhiễu hạt và tối đa hóa Chất lượng hình ảnh

Một số nhiếp ảnh gia cho rằng cách tốt nhất để chụp ảnh chất lượng cao là luôn luôn sử dụng ISO cơ sở. Tuy nhiên, như đã chứng minh ở trên, điều đó là không hoàn toàn đúng. Đôi khi, bạn sẽ cần chụp ảnh ở trong môi trường tối và khi đó không có lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng ISO cao hơn.

Bạn chỉ nên sử dụng ISO cơ sở khi có đủ ánh sáng để làm như vậy. Đừng cố ép xuống ISO 100 trong môi trường tối, nếu không bức ảnh của bạn cũng sẽ bị tối theo. Tương tự, nếu bạn đang sử dụng tốc độ màn trập nhanh để đóng băng hành động lại, thì về cơ bản, nó cũng giống như chụp ảnh trong môi trường tối (vì bạn giới hạn nghiêm ngặt khoảng thời gian mà cảm biến máy ảnh có thể thu nhận ánh sáng). Vì vậy, đối với một số thể loại nhiếp ảnh như thể thao và hành động, ISO cao có thể là lựa chọn duy nhất của bạn.

Để tối đa hóa chất lượng hình ảnh, đây là bốn bước bạn cần thực hiện:

  1. Lựa chọn cài đặt khẩu độ sẽ mang tới độ sâu trường ảnh mong muốn của bạn.
  2. Đặt ISO của bạn thành giá trị cơ sở và đặt tốc độ màn trập ở bất kỳ cài đặt nào mang tới độ phơi sáng thích hợp.
  3. Nếu chủ thể cần chụp của bạn bị mờ, hãy tăng dần ISO và sử dụng tốc độ màn trập nhanh hơn cho đến khi chuyển động mờ biến mất.
  4. Nếu ISO của bạn quá cao và bạn vẫn có khả năng sử dụng khẩu độ rộng hơn, hãy mở khẩu độ cho đến khi ISO đạt đến mức dễ kiểm soát hơn, ngay cả khi điều đó có nghĩa là bạn phải hy sinh một vài độ sâu trường ảnh mong muốn.

Đó là tất cả những gì cần thiết! Nếu bạn làm theo các bước này, bạn sẽ thu lại được chất lượng hình ảnh rất tốt. Bạn sẽ tìm thấy sự cân bằng lý tưởng giữa nhiễu hạt, độ mờ chuyển động và độ sâu trường ảnh.

Một vài câu hỏi thường gặp về ISO máy ảnh

ISO có phải là Độ nhạy của cảm biến không?

Đây là hiểu lầm thường gặp nhất liên quan đến ISO. Thay vào đó, cảm biến kỹ thuật số chỉ có một độ nhạy duy nhất, bất kể ISO của bạn là bao nhiêu. Sẽ là chính xác hơn khi nói rằng ISO giống như một ánh xạ để cho máy ảnh của bạn biết ảnh đầu ra sẽ sáng như thế nào, với một mức phơi sáng đầu vào cụ thể.

ISO có phải là một phần của Phơi sáng?

Không! Tốc độ màn trập và khẩu độ làm sáng ảnh của bạn bằng cách thu vào nhiều ánh sáng hơn. Nhưng ISO không làm điều đó, thay vào đó, về cơ bản nó chỉ làm sáng bức ảnh bạn đã chụp. Vì vậy, các nhiếp ảnh gia không coi nó là một phần của phơi sáng.

ISO ảnh hưởng đến ảnh như thế nào?

ISO làm tăng hoặc giảm độ sáng của ảnh, nhưng cũng ảnh hưởng đến cả mức độ nhiễu hạt và dải động. Ở cài đặt ISO thấp nhất (cơ sở), hình ảnh của bạn sẽ có ít nhiễu hạt nhất và dải động cao nhất, giúp bạn linh hoạt nhất trong quá trình xử lý hậu kỳ. Khi ISO tăng lên, mức độ nhiễu hạt cũng tăng và dải động thường giảm đi.

Nâng ISO có giống như chỉnh sáng ảnh trên máy tính không?

Đây là một câu hỏi hay, nhưng, một lần nữa, nó là một quan niệm sai lầm. Việc chỉnh sáng ảnh trên máy tính của bạn có thể hoạt động theo nhiều cách như tăng ISO, vì nó làm cho nhiễu hạt xuất hiện nhiều hơn (và nó làm cho bức ảnh sáng hơn). Nhưng sự khác biệt đơn giản là việc tăng ISO trong máy ảnh gần như luôn mang lại chất lượng hình ảnh tốt hơn so với việc chỉnh sáng ảnh trên máy tính của bạn.

Nói cách khác, tốt hơn là bạn nên sử dụng ISO 800 ngay trên máy ảnh khi cần thiết, thay vì chỉnh sáng bức ảnh ISO 100 trong một phần mềm xử lý hậu kỳ như Lightroom.

Cài đặt ISO tốt nhất cho ánh sáng yếu là gì?

Khi chụp ảnh trong điều kiện ánh sáng yếu, tốc độ màn trập của bạn thường sẽ phải giảm xuống, dẫn đến bị rung máy hoặc nhòe chuyển động. Để tránh những vấn đề như vậy, bạn nên tăng cài đặt ISO lên một giá trị cao hơn, chẳng hạn như ISO 1600. Tùy thuộc vào khẩu độ và điều kiện ánh sáng, bạn có thể cần phải tăng ISO nhiều hơn nữa.

Cài đặt ISO tốt nhất cho chụp ảnh phong cảnh là gì?

Khi chụp ảnh phong cảnh, bạn nên gắn thêm tripod và đặt ISO thành ISO cơ sở của máy ảnh, thường là 100.

Lời cuối cùng trước khi kết thúc bài viết, nếu bạn có bất kỳ thắc mắc hay góp ý về nội dung chúng tôi đã đề cập trong “ISO máy ảnh là gì? Bài hướng dẫn hoàn chỉnh về cách sử dụng ISO“, hãy chia sẻ ý kiến của bạn bằng khung bình luận bên dưới nhé.

Chúc bạn một ngày tốt lành !!!

5/5 - (2 bình chọn)

Có thể bạn sẽ thích

Để lại Bình luận