Home Mẹo Vặt Cuộc Sống Lấy nét là gì? Hướng dẫn cách Lấy nét máy ảnh thật chuẩn đẹp

Lấy nét là gì? Hướng dẫn cách Lấy nét máy ảnh thật chuẩn đẹp

by Hoàng Trần



Trong nhiếp ảnh (đặc biệt nếu bạn là người mới bắt đầu), có một khái niệm rất quan trọng bạn cầm nắm rõ: lấy nét là gì. Nếu kỹ thuật lấy nét không chính xác, bạn sẽ phải nhận lại những bức ảnh bị mờ ngay cả khi tất cả các cài đặt máy ảnh khác của bạn đều “chuẩn không cần chỉnh”. Lấy nét có thể dễ dàng hoặc khó khăn tùy thuộc vào đối tượng chụp của bạn, chẳng hạn như phong cảnh yên tĩnh so với một chú chim đang bay nhanh.

Lấy nét là gì? Hướng dẫn cách Lấy nét máy ảnh thật chuẩn đẹp

Bài viết hướng dẫn này của chúng tôi bao gồm những điều cần biết để lấy nét máy ảnh đúng cách, qua đó giúp bạn có thể chụp được những bức ảnh thật sắc nét.

Focus (Lấy nét) là gì?

Trong mỗi bức ảnh bạn chụp, đều sẽ có một mặt phẳng lấy nét. Đây là một vùng trong không gian có khả năng cho ảnh sắc nét nhất có thể.

Mặt phẳng lấy nét

Mặt phẳng màu hồng đại diện cho “Mặt phẳng lấy nét”, và cho biết đối tượng nào sẽ được lấy nét.

Một số người cảm thấy dễ hiểu hơn khi tưởng tượng về mặt phẳng lấy nét giống như một tấm kính giao nhau với cảnh đang chụp. Bất kỳ đối tượng nào trong ảnh của bạn chạm vào tấm kính này thì coi là “được lấy nét”. Và khi bạn di chuyển mặt phẳng về phía trước hoặc phía sau để đạt được hình ảnh như mong muốn, thường là chủ thể của bạn ở độ sắc nét tối đa, đó được gọi là lấy nét.

Focus (Lấy nét) là gì?

Với các loại thiết bị hiện đại, việc lấy nét thường diễn ra trong ống kính của bạn, các chi tiết bên trong có thể di chuyển tiến và lui để thay đổi đường quang học của ánh sáng. Cùng một đường thẳng, nếu thực tế bạn di chuyển ống kính của mình ra xa máy ảnh hơn, bạn sẽ thay đổi vị trí của mặt phẳng lấy nét. (Đó cũng là cách extension tube, hay còn gọi là ống nối máy ảnh hoạt động để chụp ảnh macro.)

Việc lấy nét có thể thực hiện theo cách tự động hoặc thủ công. Lấy nét tự động là khi hệ thống của máy ảnh điều khiển một động cơ làm di chuyển các chi tiết trong ống kính của bạn để thay đổi vùng lấy nét. Còn để lấy nét thủ công, bạn cần tự dùng tay xoay “focus ring” (vòng lấy nét) hoặc một cơ chế tương tự trên ống kính.

Focus ring (Vòng lấy nét)



Manual Focus vs. Autofocus

Manual Focus và Autofocus (tạm dịch là Lấy nét Thủ công và Lấy nét Tự động).

Thuở sơ khai của nhiếp ảnh, mọi ống kính đơn lẻ chỉ được lấy nét thủ công (và nhiều ống kính ngày nay cũng giống như vậy). Lấy nét tự động là một phát minh tương đối mới trong lịch sử nhiếp ảnh, lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường vào năm 1977. Tuy nhiên, nó vẫn là một phát minh quan trọng.

Hệ thống lấy nét tự động sử dụng một động cơ trong máy ảnh hoặc ống kính để lấy nét chủ thể bạn đã chọn, theo cách thủ công hoặc tự động. Vì vậy, chỉ cần nhấn một nút trên máy ảnh và nó sẽ lấy nét vào chủ thể bạn đã chọn – hoặc nếu bạn thích, nó còn có thể tự nhận biết và chọn chủ thể giúp bạn. Rất hữu ích.

Hầu hết các nhiếp ảnh gia sử dụng Autofocus thường xuyên hơn Manual Focus. Vì sao ư? Đơn giản là do sự tiện lợi và tính đơn giản. Thậm chí, lấy nét tự động còn có xu hướng nhanh hơn, và trong nhiều trường hợp, nó cũng chính xác hơn (chẳng hạn như lấy nét theo một đối tượng chuyển động). Điều đó cũng giải thích được vì sao mà các nhiếp ảnh gia chụp thể thao và động vật hoang dã thường có xu hướng dựa vào lấy nét tự động rất nhiều.

Mặc dù nói thì là như vậy, lấy nét thủ công tồn tại là có nguyên do của nó. Nếu máy ảnh của bạn gặp các sự cố khi lấy nét, chẳng hạn như trong điều kiện ánh sáng kém, lấy nét thủ công cho phép bạn khắc phục mọi vấn đề hoặc thực hiện các điều chỉnh chính xác mà máy ảnh có thể đã bỏ qua. Và nếu bạn đặt ống kính của mình ở chế độ lấy nét thủ công, bạn có thể khóa lấy nét cho một loạt ảnh liên tiếp.

Tóm lại, mặc dù Autofocus được hầu hết các nhiếp ảnh gia sử dụng nhiều hơn Manual Focus, nhưng bạn vẫn nên làm quen với cả hai.

Lấy nét trong Nhiếp ảnh chân dung



Phase Detection vs. Contrast Detection

Phase Detection và Contrast Detection (tạm dịch là Lấy nét theo Pha và Lấy nét Tương phản).

Lấy nét tự động hoạt động ở cấp độ kỹ thuật như thế nào? Tất nhiên, bạn không cần phải biết khoa học kỹ thuật đằng sau nó trừ khi bạn quan tâm, nhưng bạn vẫn nên làm quen với hai loại hệ thống lấy nét tự động chính hiện nay: phase detection và contrast detection. Mỗi loại đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng:

  • Phase Detection: rất nhanh và rất tốt trong việc “theo đuôi” các đối tượng chuyển động, vì nó không yêu cầu nhiều tác vụ tính toán từ máy ảnh của bạn. Tuy nhiên, nó cũng dễ xảy ra sai sót và các vấn đề lệch lạc bên trong. Một số máy ảnh cho phép bạn hiệu chỉnh hệ thống lấy nét theo pha của mình để giảm thiểu lỗi.
  • Contrast Detection: yêu cầu máy ảnh của bạn xử lý nhiều dữ liệu hơn, có nghĩa là thường mất nhiều thời gian hơn để khóa lấy nét. Kết quả là, nó không tốt trong việc “theo đuôi” các đối tượng chuyển động. Tuy nhiên, lấy nét tương phản có xu hướng chính xác hơn, vì hệ thống lấy nét tự động đang đo trực tiếp dữ liệu từ cảm biến máy ảnh của bạn. Điều này rất tốt khi chủ thể của bạn không chuyển động nhanh, chẳng hạn như chụp phong cảnh.

Bạn đã biết những khái niệm cơ bản, nhưng làm thế nào để bạn thực sự thiết lập cái này hay cái khác cho một bức ảnh nhất định?

Nó thực sự khá dễ dàng. Trên hầu hết các máy ảnh DSLR, lấy nét theo pha diễn ra bất kỳ lúc nào bạn lấy nét tự động qua kính ngắm. Lấy nét tương phản diễn ra bất kỳ lúc nào bạn lấy nét tự động thông qua màn hình LCD. Vì vậy, bạn chỉ cần lựa chọn sử dụng cho phù hợp giữa kính ngắm hoặc xem trực tiếp.

(Nhưng đối với máy ảnh Mirrorless, hầu hết chỉ có một hệ thống và thường là hệ thống kết hợp, do đó bạn không thể chuyển đổi giữa chúng.)

Hãy nhớ rằng luôn tồn tại “mặt phẳng lấy nét lý tưởng” trong một bức ảnh – thường là giao nhau với chủ thể chính của bạn. Lấy nét theo pha và lấy nét tương phản đều có thể giúp bạn đạt được điều đó. Chỉ là lấy nét theo pha có xu hướng thực hiện nhanh hơn và “theo đuôi” đối tượng chuyển động tốt hơn, trong khi lấy nét tương phản có thể thực hiện với độ chính xác cao hơn đối với các đối tượng tĩnh.

Widlife Autofocus (Lấy nét tự động chụp Động vật hoang dã)



Continuous Autofocus vs. Single-Servo Autofocus

Continuous Autofocus và Single-Servo Autofocus (tạm dịch là Lấy nét tự động Liên tục và Lấy nét tự động Single-Servo).

Một quyết định quan trọng khác mà bạn phải thực hiện khi sử dụng lấy nét tự động, đó là lựa chọn chế độ lấy nét. Hai tùy chọn quan trọng và phổ biến nhất là continuous-servo và single-servo:

  • Continuous-servo: còn được gọi là AI Servo (Canon) và AF-C (Nikon). Về cơ bản, nó có nghĩa là máy ảnh của bạn liên tục điều chỉnh vùng lấy nét bất cứ khi nào bạn giữ nút lấy nét. Điều này là lý tưởng khi bạn chụp một đối tượng chuyển động và cố gắng bám theo nó.
  • Single-servo: còn được gọi là One-Shot (Canon) và AF-S (Nikon). Trong trường hợp này, khi máy ảnh của bạn đã lấy nét được, nó sẽ không điều chỉnh cho đến khi bạn buông nút lấy nét và thử lại. Điều này là lý tưởng khi đối tượng và máy ảnh của bạn hoàn toàn tĩnh lặng, cũng như không cần phải điều chỉnh liên tục để lấy nét thích hợp.

Một số máy ảnh còn có thêm chế độ thứ ba, Auto-Servo Autofocus, phân tích cảnh vật và tự động lựa chọn giữa hai tùy chọn trên.Tuy nhiên, ngay cả khi máy ảnh của bạn có chức năng này, điều quan trọng vẫn là phải biết từng chức năng của mỗi continuous-servo và single-servo, vì luôn có khả năng các lựa chọn tự động sẽ mắc lỗi.

Nếu bạn đang sử dụng tính năng lấy nét tự động, chúng tôi khuyên bạn nên chuyển sang single-servo để chụp ảnh phong cảnh và kiến ​​trúc điển hình, continuous-servo cho hầu hết các thể loại khác, chẳng hạn như chụp thể thao và động vật hoang dã.

Autofocus Area Modes

Autofocus Area Modes (tạm dịch là chế độ Vùng lấy nét Tự động)

Một trong những phần chính của lấy nét là lựa chọn đúng autofocus area mode. Đây là nơi bạn cho máy ảnh biết loại “chiến lược” lấy nét nào bạn muốn áp dụng, để máy ảnh có thể đưa ra quyết định tốt nhất về cách theo dõi và lấy nét trên chủ thể của bạn.

Hệ thống lấy nét tự động của bạn được tạo thành từ các điểm lấy nét, tương ứng với các vùng mà máy ảnh của bạn có thể lấy nét. Ví dụ, dưới đây là hai “tấm bản đồ” riêng biệt về điểm lấy nét trên máy ảnh DSLR ngày nay:

AF Points (Các điểm Lấy nét tự động)

Thông thường, số lượng điểm lấy nét nhiều hơn sẽ tốt hơn. Việc theo dõi chủ thể chuyển động sẽ dễ dàng hơn khi máy ảnh của bạn có một số điểm lấy nét bao phủ phần lớn bức ảnh. Tuy nhiên, bạn vẫn cần cho máy ảnh biết cách sử dụng những điểm đó, nếu không nó sẽ không còn nhiều hữu ích. Và đây là lúc các autofocus area mode phát huy tác dụng:

  • Single-Point autofocus: Máy ảnh sử dụng một điểm lấy nét để tự động lấy nét – điểm lấy nét bạn đã chọn. Điều này là tốt khi máy ảnh và chủ thể của bạn không di chuyển, và bạn cũng không cần bất kỳ khả năng dõi theo nào. Nó có thể hoạt động với continuous autofocus, nhưng nó không dõi theo các đối tượng chuyển động nhanh qua nhiều điểm.
  • Dynamic autofocus: Bạn chọn một điểm lấy nét duy nhất cho máy ảnh để sử dụng. Tuy nhiên, trong trường hợp này, máy ảnh có thể dõi theo chủ thể của bạn nếu nó di chuyển vào một số điểm xung quanh. Area mode này rất tốt để chụp ảnh động vật hoang dã.
  • 3D Tracking autofocus: Máy ảnh dõi theo chủ thể của bạn khi nó di chuyển qua các điểm lấy nét. Không giống như standard Dynamic AF-Area mode, bạn không nên di chuyển máy ảnh của mình xung quanh để giữ chủ thể của bạn gần nhất có thể với điểm ban đầu bạn đã chọn. Điều này cũng tốt cho chụp ảnh động vật hoang dã, mặc dù nó không phải lúc nào cũng nhanh hoặc chính xác như Dynamic AF-Area mode đơn giản hơn.
  • Group-Area autofocus: Máy ảnh sử dụng đồng thời nhiều điểm lấy nét tự động, thường là năm điểm. Nó cung cấp cho tất cả chúng mức độ ưu tiên như nhau, và lấy nét vào đối tượng gần nhất nằm trên bất kỳ điểm nào trong số năm điểm. Điều này rất hữu ích cho các tình huống lấy nét tự động phức tạp, chẳng hạn như một chú chim đang bay với tốc độ nhanh.
  • Auto-Area autofocus: là khi máy ảnh của bạn tự động quét cảnh vật và quyết định chủ thể của bạn (thường là đối tượng gần máy ảnh nhất, hoặc khuôn mặt). Chúng tôi không khuyến khích bạn dùng chế độ này, vì nó cho bạn ít quyền kiểm soát hơn.

Không phải tất cả các máy ảnh đều có tất cả các tùy chọn này, và một số máy ảnh cũng có thể có các area mode bổ sung, đặc biệt là đối với tính năng tự động lấy nét video. Những tên gọi cũng có thể khác nhau tùy thuộc vào từng máy ảnh – nhưng ở trên là cấu trúc chung của các tùy chọn mà bạn sẽ thường thấy.



Hãy yên tâm là bạn có thể học hỏi và sớm nắm bắt được về area mode, và cách đạt được kết quả tốt nhất trong một số trường hợp nhất định. Tuy nhiên, để làm chủ hoàn toàn tất cả các chế độ này cần nhiều thời gian và thực hành, và đó không phải là điều bạn có thể học chỉ trong một sớm một chiều.

Dynamic AF Area Mode

Dynamic AF Area Mode.

Nút AF-On trên Máy ảnh

Theo mặc định, hầu hết các máy ảnh sẽ tự động lấy nét khi bạn nhấn nửa chừng nút chụp. Mặc dù đây là một tính năng hay, nhưng nhiều khi bạn sẽ muốn hai hành động – lấy nét và chụp ảnh – tách biệt với nhau. Vì vậy, hầu hết các máy ảnh lại cho phép bạn thực hiện việc này bằng cách gán lấy nét cho một nút bấm khác, thường có tên là AF-On, và gỡ nó khỏi nút nhả màn trập.

Nút AF-On trên Máy ảnh

AF-On giống hệt như khi bạn nhấn một nửa nút nhả màn trập, chỉ là nó được đặt ở một vị trí khác. Nghe có vẻ không phải là vấn đề gì to tát, nhưng có rất nhiều trường hợp mà bạn sẽ không muốn khi nhấn nút chụp máy ảnh phải lấy nét lại lần nữa, vì vậy AF-On là một tính năng quan trọng. Nếu có thể, chúng tôi khuyên bạn nên sử dụng nó thay vì nút chụp.

Vì vậy, khi nào AF-On giúp ích cho bức ảnh của bạn?

  1. Nếu bạn muốn khóa lấy nét trên một số bức ảnh: Bạn chỉ cần nhấn nút AF-On để lấy nét, sau đó không nhấn lại nó cho đến khi bạn chụp được bộ ảnh mong muốn. Điều này nhanh chóng hơn so với việc bạn chuyển ống kính sang lấy nét thủ công mỗi khi muốn khóa một loạt ảnh.
  2. Nếu bạn muốn lấy nét và bố cục lại: Giả sử bạn muốn có một bố cục nhiếp ảnh, trong đó chủ thể nằm ở ngay sát rìa của bức ảnh. Trong trường hợp đó, không thể chắc chắn rằng điểm lấy nét tự động của bạn sẽ đạt đủ xa. Vì vậy, chỉ cần lấy nét bằng một trong những điểm hiện có của bạn, sau đó định vị lại bố cục theo cách bạn muốn. Điều này tự nhiên hơn nhiều với nút AF-On trên máy ảnh – thứ mà bạn có thể buông ra sau khi lấy nét – so với việc phải nhấn nửa chừng nút chụp trong toàn bộ thời gian.
  3. Nếu bạn cần đợi chờ một chút trước chụp bức ảnh: Bạn có thể rơi vào tình huống cần lấy nét, và sau đó đợi một khoảng thời gian trước khi nhấn chụp ảnh. Ví dụ, có thể bạn đang chụp ảnh một cái hang và đang chờ đợi con thú trong đó ló đầu ra. Lúc đó với nút AF-On, bạn có thể lấy nét đúng điểm và chờ đợi, sau đó chụp ảnh nhanh nhất có thể khi đến đúng thời điểm – trong khi vẫn sẵn sàng chuẩn bị lấy nét lại nhanh chóng, nếu cần.

Những lý do kể trên (có thể còn nhiều lý do khác nữa), chúng giải thích tại sao chúng tôi thực sự khuyên bạn nên chuyển từ lấy nét khi nhả màn trập sang lấy nét AF-On cho máy ảnh. Nếu bạn luôn sử dụng nút nhả màn trập để tự động lấy nét, có thể bạn sẽ còn hơi lúng túng trong vài ngày đầu khi phải thay đổi thói quen, nhưng cuối cùng thì đó là điều bạn sẽ không hối tiếc.

(Một số máy ảnh không có nút AF-On, nhưng hầu như bạn luôn có thể tùy chỉnh một trong các nút cho mục đích đó.)



Bạn nên Lấy nét vào đâu?

Trong hầu hết các trường hợp, bạn chỉ nên lấy nét vào chủ thể chính của mình. Thông thường, nếu bạn đang chụp ảnh một người, hãy lấy nét vào một trong hai mắt của họ. Tương tự với chụp ảnh động vật hoang dã, chụp ảnh sự kiện,…

Tuy nhiên đôi khi, bạn sẽ muốn có một chút tự do, một chút nghệ thuật khi lấy nét. Giả sử rằng bạn đang chụp ảnh một bông hoa, bạn nên lấy nét vào cánh hoa gần nhất hay vào vùng trung tâm đầy sắc màu?

Lấy nét trên Bông hoa

Không có lựa chọn nào là sai. Nó phụ thuộc vào hiệu ứng bạn muốn truyền tải trong một bức ảnh.

Lấy nét trên Bông hoa

Các đối tượng sắc nét nhất trong bức ảnh của bạn sẽ nổi bật lên. Bạn có thể tận dụng điều này để làm lợi thế của mình. Nếu muốn, bạn còn có thể lấy nét vào một nơi nào đó bất ngờ để thu hút sự chú ý vào một phần cụ thể của bức ảnh. Ví dụ, chụp ảnh chân dung, trong đó bạn lấy nét vào bàn tay của người đó hơn là đôi mắt của họ, ngay cả khi khuôn mặt của họ có thể nhìn thấy trong bức ảnh của bạn.

Không có quy tắc nào không thể phá vỡ cho nơi bạn nên lấy nét. Đó là một quyết định sáng tạo và đầy tính nghệ thuật.

Focus Stacking là gì?

Focus Stacking (tạm dịch là Xếp chồng Lấy nét).

Một kỹ thuật mà bạn có thể thỉnh thoảng nghe nói đến là xếp chồng lấy nét. Với nó, bạn có thể chụp một số ảnh được lấy nét ở các điểm khác nhau, sau đó kết hợp các bit sắc nét nhất của mọi bức ảnh lại với nhau. Trong một thế giới hoàn hảo, hình ảnh thu được sẽ hoàn toàn sắc nét ở mọi nơi bạn muốn.

Xếp chồng lấy nét có thể hữu ích, đặc biệt là đối với chụp ảnh macro và phong cảnh, trong đó khó có thể chụp được một bức ảnh đủ sắc nét từ tiền cảnh tới hậu cảnh bằng bất kỳ phương pháp nào khác.

Focus Stacking (Xếp chồng lấy nét)

Tuy nhiên nó cũng có một số vấn đề. Nếu bất kỳ thứ gì trong bức ảnh của bạn đang chuyển động, việc xếp chồng lấy nét thích hợp gần như không thể. Ngay cả trong trường hợp tốt nhất, vẫn cần thêm thời gian tại hiện trường và xử lý hậu kỳ. Nhưng, đôi khi nó sẽ là cách duy nhất để bạn chụp đủ độ sâu trường ảnh trong một bức ảnh.

Nếu có thời gian, bạn có thể tìm đọc nhiều hơn về focus stacking. Và hãy luôn nhớ rằng đó là một kỹ thuật chuyên biệt (tương đối dễ nhầm lẫn), đừng sử dụng nó trừ khi bạn không còn cách nào khác để chụp được bức ảnh mong muốn.

Lời cuối cùng trước khi kết thúc bài viết, nếu bạn có bất kỳ thắc mắc hay góp ý về nội dung chúng tôi đã đề cập trong “Lấy nét là gì? Hướng dẫn cách Lấy nét máy ảnh thật chuẩn đẹp“, hãy chia sẻ ý kiến của bạn bằng khung bình luận bên dưới nhé.

Chúc bạn một ngày tốt lành !!!

5/5 - (2 bình chọn)

Có thể bạn sẽ thích

Để lại Bình luận