Home Mẹo Vặt Cuộc Sống Tốc độ màn trập (Shutter speed) là gì? Nó có ý nghĩa thế nào với Máy ảnh

Tốc độ màn trập (Shutter speed) là gì? Nó có ý nghĩa thế nào với Máy ảnh

by Hoàng Trần



Tốc độ màn trập chịu trách nhiệm cho hai điều cụ thể là: thay đổi độ sáng cho bức ảnh của bạn; tạo ra các hiệu ứng thật ấn tượng bằng cách đóng băng chuyển động hoặc làm mờ chuyển động. Nó là một trong ba cài đặt quan trọng nhất của nhiếp ảnh, ngoài khẩu độISO. Vậy trong bài viết này, chúng tôi sẽ cố gắng trình bày về chủ đề tốc độ màn trập là gì theo cách ngắn gọn và dễ hiểu nhất.

Tốc độ màn trập (Shutter speed) là gì?

Sở dĩ có khái niệm tốc độ màn trập là do màn trập của máy ảnh – một bức màn phía trước cảm biến máy ảnh luôn đóng cho đến khi máy ảnh kích hoạt. Khi máy ảnh kích hoạt, màn trập sẽ mở ra và để cảm biến tiếp xúc với ánh sáng truyền qua ống kính của bạn. Sau khi cảm biến thu xong ánh sáng, màn trập đóng lại ngay lập tức, ngăn ánh sáng chiếu vào cảm biến.

Nút kích hoạt máy ảnh còn được gọi là “nút nhả màn trập” hoặc “nút chụp”, vì nó điều khiển màn trập mở/đóng.

Tốc độ màn trập (Shutter speed) là gì?

Tốc độ màn trập là khoảng thời gian màn trập máy ảnh mở ra, cho ánh sáng chiếu vào cảm biến máy ảnh. Về cơ bản, có thể hiểu đó là khoảng thời gian máy ảnh sử dụng để chụp một bức ảnh. Điều này có ảnh hưởng quan trọng đến cách bức ảnh của bạn sẽ xuất hiện.

Tốc độ màn trập (Shutter speed) là gì?

Khi sử dụng tốc độ màn trập chậm (hay còn được gọi là tốc độ màn trập “dài”), bạn sẽ để lộ ra cảm biến máy ảnh của mình trong một khoảng thời gian đáng kể. Hiệu ứng lớn đầu tiên của nó là chuyển động mờ, tức là các đối tượng chuyển động trong bức ảnh của bạn sẽ bị mờ dọc theo hướng chuyển động.

Hiệu ứng này được sử dụng khá thường xuyên trong các quảng cáo ô tô và xe máy, nơi truyền tải cảm giác về tốc độ và chuyển động cho người xem bằng cách cố ý làm mờ các bánh xe đang quay.

Chuyển động mờ của cánh quạt

Chuyển động mờ của cánh quạt

Tốc độ màn trập chậm còn được sử dụng để chụp ảnh Dải Ngân Hà (Milky Way), các vật thể khác vào ban đêm (hoặc trong môi trường thiếu sáng) với tripod. Nhiếp ảnh gia phong cảnh cũng có thể cố ý sử dụng để tạo cảm giác chuyển động mờ trên các con sông và thác nước, trong khi vẫn giữ cho mọi thứ khác hoàn toàn sắc nét.

Bức ảnh thác nước được chụp bằng Tốc độ màn trập chậm

Bức ảnh thác nước được chụp bằng Tốc độ màn trập chậm



Mặt khác, tốc độ màn trập cũng có thể được sử dụng để làm ngược lại – đóng băng chuyển động. Nếu bạn sử dụng tốc độ màn trập đặc biệt nhanh, bạn có thể loại bỏ chuyển động ngay cả từ các vật thể chuyển động nhanh, như chú chim đang bay hoặc chiếc ô tô đang đi qua. Còn nếu bạn sử dụng trong khi chụp ảnh nước, từng giọt nước sẽ bay lơ lửng trong không trung và hoàn toàn sắc nét.

Bức ảnh một chú chim được chụp bằng Tốc độ màn trập nhanh

Bức ảnh một chú chim được chụp bằng Tốc độ màn trập nhanh

Tóm lại, bạn có thể đạt được tất cả những điều rất thú vị kể trên chỉ bằng cách điều khiển tốc độ màn trập. Bạn chỉ cần ghi nhớ: tốc độ màn trập nhanh giúp đóng băng chuyển động, trong khi tốc độ màn trập chậm tạo ra hiệu ứng khi bạn chụp ảnh các vật thể chuyển động.

Đơn vị đo Tốc độ màn trập (Shutter speed)

Tốc độ màn trập thường được đo bằng phần giây khi chúng dưới một giây. Ví dụ: 1/4 có nghĩa là một phần tư giây, 1/250 có nghĩa là một phần hai trăm năm mươi giây (hay bốn mili giây).

Hầu hết các loại máy ảnh DSLR (có gương lật) và máy ảnh Mirrorless (không có gương lật) hiện đại có thể xử lý tốc độ màn trập nhanh nhất là 1/4000 giây, trong khi một số thậm chí còn có thể xử lý tốc độ nhanh hơn, lên tới 1/8000 giây. Mặt khác, tốc độ màn trập chậm nhất có sẵn trên hầu hết các máy ảnh DSLR và máy ảnh Mirrorless thường là 30 giây.



Tốc độ màn trập và Độ phơi sáng

Ảnh hưởng quan trọng khác của tốc độ màn trập là độ phơi sáng, liên quan trực tiếp đến độ sáng của bức ảnh.

Như ví dụ ở hình bên dưới, nếu sử dụng tốc độ màn trập chậm (1/50 giây), cảm biến máy ảnh sẽ thu vào nhiều ánh sáng và kết quả là ảnh quá sáng, bằng cách sử dụng tốc độ màn trập nhanh (1/200 giây), cảm biến máy ảnh chỉ tiếp xúc với một phần nhỏ ánh sáng, dẫn đến ảnh tối hơn.

Tốc độ màn trập và Độ phơi sáng

Tốc độ màn trập và Độ phơi sáng

Tuy nhiên như chúng tôi đã nói đến ngay từ đầu, tốc độ màn trập không phải là biến số duy nhất ảnh hưởng đến độ sáng của ảnh. Còn có khẩu độ và ISO, cùng với độ sáng thực tế của cảnh vật trước mặt bạn nữa. Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể linh hoạt khi quyết định tốc độ màn trập, nhưng bù lại thì bạn cần chọn các cài đặt khác của mình một cách cẩn thận.

Tốc độ màn trập có thể là một công cụ quan trọng để chụp ảnh có độ sáng thích hợp. Vào một ngày nắng đẹp, bạn có thể cần sử dụng tốc độ màn trập nhanh để ảnh không bị dư sáng. Hoặc nếu trời tối, có thể cần tốc độ màn trập chậm để tránh ảnh bị quá tối (trong trường hợp này bạn rất nên dùng một chiếc tripod trợ giúp, nếu không, các chuyển động mờ ngoài ý muốn sẽ xuất hiện khi bạn tự cầm máy ảnh và không thể giữ nó ổn định).

Đối với nhiều người, đây là lý do chính để họ điều chỉnh tốc độ màn trập: đảm bảo ảnh có độ sáng thích hợp. Tuy nhiên, độ mờ chuyển động cũng là một thứ rất quan trọng và không nên bỏ qua.



Tốc độ màn trập Nhanh, Chậm và Dài

Tốc độ màn trập nhanh (Fast shutter speed) thường là điều cần thiết để đóng băng hành động. Nếu bạn đang chụp ảnh các loài chim, tốc độ đó có thể là 1/1000 giây hoặc nhanh hơn. Tuy nhiên, đối với chụp ảnh thông thường cho các đối tượng chuyển động chậm hơn, bạn có thể chụp ảnh ở tốc độ 1/200 giây, 1/100 giây hoặc thậm chí chậm hơn mà không gây ra hiện tượng nhòe chuyển động.

Tốc độ màn trập dài (Long shutter speed) thường là trên 1 giây, lúc đó, bạn cần phải sử dụng tripod để có được bức ảnh sắc nét. Tốc độ màn trập dài sẽ phù hợp cho một số kiểu chụp thiếu sáng, chụp cảnh đêm hoặc để chụp chuyển động có chủ đích. Nếu bất kỳ thứ gì trong cảnh vật của bạn chuyển động khi sử dụng tốc độ màn trập dài, nó sẽ rất mờ.

Khoảng ở giữa, tốc độ màn trập từ 1/100 giây đến 1 giây vẫn được coi là tương đối chậm (Slow shutter speed). Bạn có thể sẽ không xử lý được chúng nếu không dùng thiết bị chống rung máy, đặc biệt là gần mốc 1 giây.

Bức ảnh chụp một em nhỏ bị mờ do Tốc độ màn trập tương đối chậm

Bức ảnh chụp một em nhỏ bị mờ do Tốc độ màn trập tương đối chậm (1/30 giây)

Ngoài ra, điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào ống kính của bạn. Một số ống kính, chẳng hạn như Nikon 70-200mm f/2.8, được trang bị công nghệ ổn định hình ảnh cụ thể (còn được gọi là “giảm rung”), có thể giúp các nhiếp ảnh gia chụp ảnh ở tốc độ màn trập dài khi tự cầm máy ảnh.

Với các ống kính khác không có công nghệ giảm rung, điều đó có nghĩa là bạn cần sử dụng quy tắc tương hỗ để xác định tốc độ màn trập sẽ là bao lâu mà không gây ra hiện tượng nhòe do rung máy. Và, một điều quan trọng nữa là bạn phải biết cách cầm máy ảnh cho đúng.



Cách cài đặt Tốc độ màn trập cho Máy ảnh

Theo mặc định, hầu hết các loại máy ảnh đều xử lý tốc độ màn trập tự động. Khi máy ảnh được đặt ở chế độ “Auto”, tốc độ màn trập được máy ảnh chọn mà không cần bạn phải nhập (khẩu độ và ISO cũng vậy). Tuy nhiên, bạn vẫn có thể cài đặt tốc độ màn trập theo cách thủ công nếu cần:

  1. Bằng cách cài đặt máy ảnh ở chế độ “Shutter Priority”, bạn chọn tốc độ màn trập và máy ảnh tự động chọn khẩu độ.
  2. Bằng cách đặt máy ảnh ở chế độ “Manual”, bạn tự chọn cả tốc độ màn trập và khẩu độ theo cách thủ công.

Với cả hai chế độ này, bạn có thể chọn đặt ISO theo cách thủ công hoặc tự động.

Trong hầu hết các trường hợp, chúng tôi khuyên bạn nên để máy ảnh chọn tốc độ màn trập chính xác giúp cho bạn. Tuy nhiên, hãy theo dõi để chắc chắn rằng bạn không tạo ra quá nhiều chuyển động mờ trong ảnh (hay ngược lại bị đóng băng chuyển động mà bạn muốn làm mờ).

Cách tìm Tốc độ màn trập của Máy ảnh

Bạn đã biết cách tìm xem tốc độ màn trập của máy ảnh đang được đặt ở mức nào chưa? Điều này cũng rất dễ dàng mà thôi. Trên các máy ảnh có bảng điều khiển phía mặt trên, nó thường nằm ở góc trên cùng bên trái, chẳng hạn như con số được khoanh tròn trong hình bên dưới:

Tốc độ màn trập hiển thị trên màn hình LCD của Máy ảnh

Tốc độ màn trập hiển thị trên màn hình LCD của Máy ảnh

Nếu máy ảnh của bạn không có màn hình LCD ở mặt trên, như một số máy ảnh DSLR cấp thấp hơn, bạn có thể nhìn qua kính ngắm sẽ thấy tốc độ màn trập ở góc phía dưới bên trái. Và nếu máy ảnh của bạn không có màn hình LCD mặt trên  cũng không có luôn kính ngắm, giống như nhiều máy ảnh Mirrorless, bạn có thể xem tốc độ màn trập của mình bằng cách nhìn vào màn hình phía mặt sau.

Trên hầu hết các máy ảnh, tốc độ màn trập sẽ không hiển thị trực tiếp dưới dạng một phần giây – nó lại thường sẽ là một con số thông thường (không có dấu gạch chéo phân cách). Khi tốc độ màn trập dài hơn hoặc bằng một giây, bạn sẽ thấy một cái gì đó giống như 1” hoặc 5” (với dấu ngoặc kép để biểu thị một giây đầy đủ).

Nếu bạn vẫn không thể tìm thấy tốc độ màn trập, hãy cài đặt máy ảnh của bạn ở chế độ “Aperture Priority” và đảm bảo rằng bạn đã tắt “AUTO ISO”. Sau đó, bắt đầu trỏ máy ảnh xung quanh từ vùng tối đến vùng sáng. Con số thay đổi sẽ là tốc độ màn trập của bạn.



Một vài câu hỏi thường gặp về Tốc độ màn trập

Tốc độ màn trập chậm là gì?

Tốc độ màn trập dài thường là khoảng 1 giây và lâu hơn. Trong khi đó, tốc độ màn trập chậm có thể là một phần của giây, chẳng hạn như 1/2 hoặc 1/4.

Tốc độ màn trập nhanh là gì?

Tốc độ màn trập nhanh thường được gọi là tốc độ màn trập đủ để đóng băng hành động. Thông thường, các nhiếp ảnh gia đề cập đến các phần nhỏ của giây, chẳng hạn như 1/250 giây hoặc nhanh hơn.

Làm cách nào để tôi tìm thấy tốc độ màn trập của mình?

Tốc độ màn trập thường được hiển thị trên màn hình LCD phía mặt trên hoặc mặt sau máy ảnh của bạn, dưới dạng một số hoặc một phân số. Nếu bạn nhấn một nửa nút nhả màn trập, sau đó di chuyển máy ảnh của bạn về phía vùng sáng hơn, con số thay đổi thường là tốc độ màn trập của bạn.

Tốc độ màn trập nào là chậm nhất?

Con số này tùy thuộc vào loại máy ảnh của bạn, tốc độ màn trập chậm nhất được phép sử dụng mà không cần sử dụng chức năng nhả màn trập từ xa thường là 30 giây.

Tốc độ màn trập nhanh nhất mà tôi có thể sử dụng trên máy ảnh của mình?

Điều đó phụ thuộc vào khả năng của máy ảnh. Hầu hết các máy ảnh DSLR và máy ảnh Mirrorless đều có thể chụp nhanh tới 1/4000 giây bằng cách sử dụng màn trập cơ học. Một số máy ảnh tối tân hơn có thể quay nhanh đến 1/8000 giây với cửa chớp cơ học và thậm chí còn nhanh hơn khi sử dụng cửa chớp điện tử.

Tốc độ màn trập được viết như thế nào?

Tốc độ màn trập luôn được viết bằng giây hoặc một phần giây. Ví dụ: tốc độ màn trập 1 giây thường được hiển thị dưới dạng một số duy nhất có dấu ngoặc kép hoặc chữ “s” ở cuối, như 1″ hoặc 1s. Trong khi một phần nhỏ của giây như 1/250 thường được hiển thị là 1/250, hoặc đơn giản chỉ là 250 trên hầu hết các máy ảnh.

Tốc độ màn trập tốt nhất là gì?

Không có câu trả lời cho câu hỏi này, vì nó thực sự phụ thuộc vào những gì bạn đang cố gắng đạt được.

Làm cách nào để thay đổi tốc độ màn trập trên điện thoại?

Trong khi một số điện thoại thông minh cho phép thay đổi tốc độ màn trập bằng ứng dụng camera cài sẵn, nhưng hầu hết đều yêu cầu bạn cài đặt thêm ứng dụng camera của bên thứ ba mới có thể thay đổi tốc độ màn trập.

Nếu bạn sử dụng iPhone, hãy thử một số ứng dụng như Camera+ 2. Nếu bạn sử dụng Android, hãy thử một số ứng dụng như ProCam X.

Lời cuối cùng trước khi kết thúc bài viết, nếu bạn có bất kỳ thắc mắc hay góp ý về nội dung chúng tôi đã đề cập trong “Tốc độ màn trập (Shutter speed) là gì? Nó có ý nghĩa thế nào với Máy ảnh”, hãy chia sẻ ý kiến của bạn bằng khung bình luận bên dưới nhé.

Chúc bạn một ngày tốt lành !!!

5/5 - (2 bình chọn)

Có thể bạn sẽ thích

Để lại Bình luận