Nếu bạn mới bắt đầu tìm hiểu về việc phát triển các ứng dụng dành cho Android, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp ngay khái niệm Android SDK. Vậy trong bài viết này, chúng tôi sẽ giải thích Android SDK là gì, cũng như cách để bạn bắt đầu sử dụng nó.
Android SDK là gì?
Android SDK là một tập hợp các công cụ và thư viện cần thiết để phát triển ứng dụng Android. Nó cho phép bạn tạo ra được các ứng dụng Android hoàn chỉnh mà không nhất thiết phải là một chuyên gia. Android SDK đi kèm với Android Studio – môi trường phát triển tích hợp (IDE) chính thức của Google.
Mỗi khi Google phát hành phiên bản Android mới hoặc các bản cập nhật nhỏ hơn, SDK tương ứng cũng sẽ được phát hành và các nhà phát triển cần phải tải xuống và cài đặt. Cũng cần lưu ý rằng bạn cũng có thể tải xuống và sử dụng Android SDK độc lập với Android Studio, nhưng thông thường, bạn sẽ làm việc thông qua Android Studio cho bất kỳ dự án phát triển Android nào.
Android SDK bao gồm tất cả các công cụ cần thiết để code chương trình từ đầu, và thậm chí là kiểm tra chúng. Những công cụ này thực sự cung cấp mọi thứ trôi chảy cho cả quá trình, từ phát triển, gỡ lỗi cho đến đóng gói.
Android SDK tương thích với cả Windows, macOS và Linux. Vì vậy bạn có thể phát triển ứng dụng Android của mình trên bất kỳ nền tảng nào trong số đó.
Cách cài đặt Android SDK
Android SDK được tối ưu hóa cho Android Studio, do đó để đạt được hiệu quả và những lợi ích tốt nhất, bạn sẽ cần cài đặt Android Studio. Việc quản lý Android SDK từ bên trong Android Studio sẽ dễ dàng hơn, vì nó hỗ trợ xử lý tự động các loại ngôn ngữ như Java, Kotlin và C++. Không chỉ vậy, các bản cập nhật cho Android SDK cũng đều được Android Studio xử lý tự động.
Để cài đặt Android SDK từ bên trong Android Studio, trước tiên bạn hãy khởi động Android Studio.
Từ trang bắt đầu của Android Studio, lựa chọn Configure > SDK Manager.
Nếu bạn đã mở Android Studio, icon SDK Manager sẽ được tìm thấy ở góc trên cùng bên phải, như hình ảnh bên dưới.
Cài đặt các gói nền tảng Android SDK bắt buộc và các công cụ dành cho nhà phát triển. Một khởi đầu tốt là các cài đặt:
- Android SDK Build-Tools.
- Android Emulator.
- Android SDK Platform-Tools.
- Android SDK Tools.
- Documentation for Android SDK.
Nhấp vào Apply, Android Studio sẽ cài đặt các công cụ và các gói bạn đã chọn.
SDK Manager là gì?
Android SDK bao gồm nhiều các gói mô-đun mà bạn có thể tải xuống, cài đặt và cập nhật riêng bằng Android SDK Manager. SDK Manager sẽ giúp bạn cập nhật các bản phát hành và bản cập nhật SDK mới, bất cứ khi nào một nền tảng Android mới được phát hành.
Bạn có thể tìm thấy SDK Manager ở góc trên cùng bên phải của màn hình Android Studio. Tất cả những gì cần làm chỉ là thao tác theo hướng dẫn được cung cấp, và các bản cập nhật sẽ được tải xuống ngay lập tức vào môi trường của bạn.
Các thành phần của Android SDK là gì?
Android SDK bao gồm một trình giả lập, các công cụ phát triển, các dự án mẫu có mã nguồn và các thư viện bắt buộc để xây dựng các ứng dụng Android. Giờ chúng ta hãy xem xét từng thành phần chính.
Android SDK Tools
Android SDK Tools là một thành phần của Android SDK. Nó bao gồm một bộ công cụ phát triển và gỡ lỗi hoàn chỉnh cho Android, được bao gồm trong Android Studio. SDK Tools cũng bao gồm các công cụ kiểm tra và các tiện ích khác cần thiết để phát triển được một ứng dụng.
SDK Build Tools
Build Tools là bắt buộc để xây dựng các thành phần, nhằm xây dựng các tệp nhị phân thực tế cho ứng dụng Android của bạn. Hãy luôn đảm bảo Build Tools của bạn được cập nhật bằng cách tải xuống phiên bản mới nhất trong Android SDK Manager.
SDK Platform-Tools
Android Platform-Tools được sử dụng để hỗ trợ các tính năng cho nền tảng Android hiện tại, và rất cần thiết để phát triển ứng dụng Android. Chúng bao gồm:
- Android Debug Bridge (adb): Đây là một công cụ dòng lệnh (command-line) tiện dụng cho phép bạn giao tiếp với một thiết bị. Lệnh adb cho phép bạn thực hiện các hành động trên thiết bị, chẳng hạn như cài đặt và gỡ lỗi ứng dụng. Nó cũng cung cấp quyền truy cập vào Unix shell, thứ mà bạn có thể sử dụng để chạy nhiều lệnh trên thiết bị.
- fastboot: Điều này cho phép bạn flash một thiết bị với hình ảnh hệ thống mới.
- systrace: Công cụ này giúp thu thập, kiểm tra thông tin thời gian của tất cả các quy trình đang chạy trên thiết bị ở cấp hệ thống. Nó rất quan trọng để gỡ lỗi hiệu suất ứng dụng.
SDK Platform-Tools tương thích ngược, vì vậy bạn chỉ cần một phiên bản của SDK Platform-Tools.
SDK Platform
Đối với mỗi phiên bản Android sẽ có sẵn một SDK Platform. Chúng được đánh số dựa theo phiên bản Android. Trước khi tạo ứng dụng Android, bạn phải chỉ định SDK Platform làm mục tiêu xây dựng của mình. Các phiên bản SDK Platform mới hơn có nhiều tính năng hơn dành cho nhà phát triển, tuy nhiên các thiết bị cũ hơn có thể sẽ không tương thích với các phiên bản SDK Platform mới hơn.
Google APIs
Google cung cấp một số API độc quyền của họ để giúp bạn phát triển ứng dụng Android dễ dàng hơn. Họ cũng cung cấp hình ảnh hệ thống cho trình mô phỏng, để bạn có thể kiểm tra ứng dụng của mình bằng cách sử dụng Google APIs.
Android Emulator
Android Emulator là một công cụ mô phỏng thiết bị dựa trên QEMU, giúp mô phỏng lại các thiết bị Android ngay trên máy tính của bạn. Điều này cho phép nhà phát triển kiểm tra các ứng dụng trên nhiều các thiết bị và các cấp độ Android API khác nhau, mà sẽ không cần phải có nhiều thiết bị vật lý thực sự. Trình mô phỏng đi kèm với nhiều các cấu hình cho nhiều loại điện thoại Android, máy tính bảng Android, Wear OS và Android TV.
Android Emulator cung cấp gần như tất cả các tính năng của một thiết bị Android thực sự. Bạn sẽ có thể thực hiện các tác vụ sau:
- Mô phỏng các cuộc gọi và tin nhắn văn bản.
- Mô phỏng các tốc độ kết nối mạng khác nhau.
- Chỉ định vị trí của thiết bị.
- Mô phỏng các cảm biến phần cứng, chẳng hạn như xoay thiết bị.
- Truy cập cửa hàng Google Play và hơn thế nữa,…
Thường thì việc kiểm tra ứng dụng của bạn bằng trình giả lập thay vì sử dụng thiết bị thực sẽ nhanh hơn và dễ dàng hơn nhiều.
Lời cuối cùng trước khi kết thúc bài viết, nếu bạn có bất kỳ thắc mắc hay góp ý về nội dung chúng tôi đã đề cập trong “Android SDK là gì? Làm sao để bắt đầu sử dụng Android SDK“, hãy chia sẻ ý kiến của bạn bằng khung bình luận bên dưới nhé.
Chúc bạn một ngày tốt lành !!!