Bộ nguồn (PSU) là một thành phần PC thường bị coi nhẹ hay thậm chí là bỏ qua. Nhiều người dùng đơn giản chỉ chọn bộ nguồn PC dựa trên tổng công suất, và họ cho rằng con số cao hơn luôn đồng nghĩa với tốt hơn. Trong khi đó, cũng có những người còn hoàn toàn không quan tâm đến việc lựa chọn bộ cung cấp điện và tìm kiếm bất cứ thứ gì miễn là lắp đặt được với máy tính của họ. Nhưng xét về tầm quan trọng của một nguồn điện tốt đối với sự ổn định và độ bền lâu dài của cả hệ thống, thì thật sự đáng tiếc khi PSU lại ít được chú ý so với các thành phần “sexy” hơn như CPU, card đồ họa và ổ cứng SSD.
Thị trường PSU vốn đã tràn ngập sản phẩm từ các nhà sản xuất không có tên tuổi, họ thường sử dụng các linh kiện kém tiêu chuẩn và phóng đại quá mức về chất lượng của chúng, đặc biệt là hiện nay khi giá tiền điện tử bùng nổ đã tạo ra nhu cầu lớn về card đồ họa và PSU. Thế nhưng, việc lựa chọn được một bộ nguồn chạy ngon lành, hiệu quả là hoàn toàn có thể nếu bạn trang bị cho mình những kiến thức phù hợp.
Chúng tôi hy vọng rằng, bài viết hướng dẫn cách chọn nguồn cho PC này có thể giúp bạn mua được một sản phẩm tốt nhất với nhu cầu của mình.
Cách chọn nguồn cho PC: Những điều cơ bản
Không có quy tắc chung để lựa chọn bộ nguồn chất lượng cao. Nhưng, các thông số kỹ thuật khác nhau cung cấp bằng chứng cụ thể về chất lượng PSU và một số bài hướng dẫn thường hữu ích.
Đầu tiên, bạn hãy luôn chọn mua bộ nguồn từ những nhà sản xuất có uy tín, và cũng đừng quên tìm kiếm các đánh giá về chúng trước khi mua. Tránh xa các bộ nguồn giá rẻ và không rõ nguồn gốc xuất xứ, chúng có xu hướng không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Trong khi đó, các thương hiệu lớn sẽ luôn cung cấp cho khách hàng chế độ bảo hành và hỗ trợ rất tốt. Corsair, Seasonic, EVGA hay Antec là những nhà sản xuất có danh tiếng trong việc tạo ra bộ nguồn chất lượng cao cho PC.
Các model lớn hơn, nặng hơn nên được ưu tiên so với các model nhỏ, nhẹ. Vì các bộ nguồn chất lượng cao hơn hầu như luôn sử dụng tụ điện, cuộn cảm và các thành phần khác bên trong lớn hơn và tốt hơn, đồng thời chúng được trang bị các bộ tản nhiệt lớn hơn để mang lại hiệu quả tản nhiệt vượt trội – nói chung là tất cả đều “nặng đô” hơn. Ngoài ra, quạt làm mát lớn hơn thường thổi bay được nhiều không khí hơn trong khi tạo ra ít tiếng ồn hơn so với quạt nhỏ, đó cũng là một điểm cộng khác.
Ngoài ra, bạn cũng nên kiểm tra các đầu nối của PSU để xác nhận thiết bị tương thích với hệ thống PC cụ thể của bạn. Thuật ngữ 20+4 pin đề cập đến một đầu nối có thể hoạt động như một đầu nối 20-pin hoặc đầu nối 24-pin. Còn với đầu nối 6+2 pin như hình ảnh minh họa bên dưới, bạn có thể lấy / bỏ hai trong số các pin trong đầu nối cho phù hợp với nhu cầu của mình.
Về kích thước PSU, phần lớn các hệ thống máy tính để bàn thông thường sử dụng bộ nguồn ATX tiêu chuẩn. Ngoài ra, để dành cho các doanh nghiệp và máy chủ thì cũng có sẵn các bộ nguồn nhỏ hơn / các bộ nguồn được thiết kế đặc biệt.
Cách chọn nguồn cho PC: Công suất đầu ra
Các nhà sản xuất thường ghi công suất bộ nguồn của họ bằng watt (ký hiệu là W). PSU công suất lớn hơn có thể cung cấp nhiều điện năng hơn. Thông thường, bộ nguồn cho máy tính để bàn có công suất đầu ra trong khoảng từ 200W đến 1800W, do đó bạn sẽ có rất nhiều tùy chọn. Nhưng quan trọng ở đây là con số cho công suất duy trì / công suất liên tục chứ không phải con số cho công suất cực đại, vì hầu hết các bộ nguồn chỉ có thể hoạt động ở công suất cao nhất trong một khoảng thời gian ngắn.
Lý tưởng nhất là bộ nguồn có thể cung cấp điện năng dư dả cho các thành phần PC của bạn, và trong trường hợp nếu bạn muốn gắn thêm các thành phần sau này thì cần dự phòng thêm một khoảng thừa nữa. Hầu hết các bộ nguồn đạt mức hiệu suất cao nhất với mức tải trong khoảng 40% đến 80%. Vì vậy, nếu bạn đang dùng đến khoảng 50% đến 60% công suất của PSU là đạt được hiệu quả tối đa, và còn để lại được một phần cho việc nâng cấp PC trong tương lai.
Ví dụ, nếu công suất tối đa hoặc kết hợp TDP (tổng công suất thiết kế) của các thành phần hiện tại trong hệ thống PC của bạn là 300W, thì một PSU 600W sẽ phù hợp. Trong một hệ thống cao cấp được tải với các thành phần có thể đạt đỉnh chung ở 700W, một PSU 1200W sẽ hoạt động tốt. Tất nhiên, để tiết kiệm chi phí bạn có thể sử dụng các bộ nguồn có công suất thấp hơn nếu không nghĩ rằng mình sẽ cần phải mở rộng hệ thống sau này, nhưng nếu bạn có đủ khả năng, chọn một PSU mạnh hơn là một lựa chọn tốt hơn.
Nhiều hệ thống gaming hiện đại với CPU 6 hoặc 8 nhân và một card đồ họa tầm trung đến cao cấp sẽ sử dụng được bộ nguồn từ 650W đến 850W, với 750W là một “điểm ngọt ngào” trong thời gian dài dành cho các game thủ. Phần cứng mạnh hơn yêu cầu công suất cao hơn, đặc biệt nếu bạn có ý định ép xung.
Rất may mắn, có sẵn các công cụ hỗ trợ tính công suất PSU tiện dụng như của Outervision và Seasonic, ở đó bạn có thể nhập vào các thành phần trong bộ PC của mình một cách chi tiết chính xác – ngay cả điện áp ép xung của CPU và các thành phần tản nhiệt nước cụ thể – rồi đưa ra công suất cung cấp điện cho hệ thống của bạn.
Và khi đã nói về công suất PSU thì không thể không nhắc tới một vấn đề muôn thuở, đó là nhiều người luôn cho rằng bộ nguồn có công suất cao hơn nhất thiết phải tiêu tốn nhiều điện hơn. Điều đó là không đúng. Bộ nguồn 500W sẽ không tiêu tốn ít điện năng hơn bộ 1000W. Đó là bởi vì các thành phần của hệ thống PC – quyết định mức tiêu thụ điện năng của PSU – chứ không phải bản thân nó. Ví dụ, nếu trong hệ thống của bạn có các thành phần tính tổng là 300W, hệ thống sẽ tiêu thụ 300W khi tải bất kể được trang bị bộ nguồn 500W hay 1000W.
Một lần nữa chúng tôi xin nhấn mạnh, công suất đầu ra của PSU cho biết lượng điện năng tối đa mà thiết bị có thể cung cấp cho các thành phần của hệ thống PC (thường là một con số được in rất to ngay trên bộ nguồn đó), chứ không phải là lượng điện mà thiết bị tiêu thụ từ nguồn điện trong nhà.
Cách chọn nguồn cho PC: Chuẩn 80 Plus
Đánh giá hiệu suất của bộ nguồn rất quan trọng, vì các bộ nguồn hiệu suất cao hơn có xu hướng có linh kiện bên trong tốt hơn, tiết kiệm điện năng hơn và tỏa nhiệt ít hơn – tất cả đều góp phần làm giảm tiếng ồn của quạt. Bộ nguồn có đánh giá hiệu suất là 80% cung cấp được 80% công suất định mức của nó dưới dạng điện cho hệ thống PC của bạn, trong khi 20% còn lại mất mát dưới dạng nhiệt.
Bạn nên chọn mua các bộ nguồn có chứng nhận “80 Plus“. Mặc dù quy trình chứng nhận không đặc biệt nghiêm ngặt, bộ nguồn 80 Plus được xác nhận là có hiệu quả ít nhất 80%, và 80 Plus có phân cấp bậc cho các thiết bị thậm chí còn hiệu quả hơn, bao gồm các chứng nhận 80 Plus Bronze, Silver, Gold, Platinum, và Titanium.
Tuy nhiên, các bộ nguồn ở các bậc chứng nhận cao hơn thường có giá bán rất mắc. Người dùng có nhu cầu bình thường có lẽ chỉ nên theo đuổi mức đơn giản như 80 Plus hoặc 80 Plus Bronze, trừ khi họ tìm thấy thứ gì đó đặc biệt hấp dẫn trên 80 Plus Silver hoặc 80 Plus Gold.
Cách chọn nguồn cho PC: Full, Semi hay Non Modular
Một vấn đề bạn cần xem xét nữa là hệ thống dây cáp. Hiện nay, trên thị trường có sẵn các bộ nguồn là Full Modular (mô-đun hoàn toàn), Semi Modular (mô-đun một phần) và Non Modular (không mô-đun). Trong đó, bộ nguồn Full Modular sẽ là lựa chọn tốt nhất, giúp đơn giản hóa đáng kể việc giữ cho bên trong thùng máy của bạn sạch sẽ, gọn gàng và đẹp mắt – chỉ cần bạn không cắm vào các loại dây cáp dư thừa không sử dụng tới.
Nói chung thì hầu hết mọi người đều thích PSU có mô-đun, mặc dù giá bán của chúng luôn cao hơn hơn một chút so với các mẫu không mô-đun.
Một vài câu hỏi thường gặp về Bộ nguồn PC
Lời cuối cùng trước khi kết thúc bài viết, nếu bạn có bất kỳ thắc mắc hay góp ý về nội dung chúng tôi đã đề cập trong “Hướng dẫn cách chọn nguồn (PSU) cho PC chạy tốt nhất [2022]“, hãy chia sẻ ý kiến của bạn bằng khung bình luận bên dưới nhé.
Chúc bạn một ngày tốt lành !!!