Bạn nhận thấy ổ cứng của mình gần đây không còn hoạt động tốt như trước? Vậy để xác nhận điều này một cách chính xác nhất, ngay sau đây mời bạn tới ngay với bài viết hướng dẫn cách kiểm tra sức khoẻ ổ cứng trên máy tính Windows và macOS của chúng tôi.
Mặc dù cuối cùng thì ổ cứng máy tính nào cũng sẽ phải hỏng, và nếu nó đã sắp hỏng, bạn sẽ nhận thấy dấu hiệu. Những tiếng kêu lạ, các tệp tin bị hỏng, tốc độ truyền dữ liệu thấp hay sự cố khi khởi động máy tính là điều khó tránh khỏi. Điều này là hết sức bình thường, đặc biệt nếu ổ cứng của bạn đã sử dụng được vài năm.
Trên các loại ở cứng đời cũ, các bộ phận chuyển động có thể xuống cấp theo thời gian hoặc các thành phần từ tính có thể bị hỏng. Trên các loại ổ cứng SSD đời mới thì không có bộ phận chuyển động, nhưng khả năng lưu trữ vẫn sẽ suy giảm dần đi mỗi khi phải làm việc, nghĩa là cuối cùng nó cũng vẫn sẽ phải hỏng. (Mặc dù ổ cứng SSD giờ đây có độ bền tốt hơn rất nhiều so với trước kia).
Vì thế bạn rất nên kiểm tra sức khỏe ổ cứng trên máy tính thường xuyên, để có thể chuẩn bị kịp thời nếu trường hợp xấu xảy ra. Và dưới đây là cách để thực hiện điều đó.
Cách kiểm tra sức khoẻ ổ cứng trên máy tính bằng S.M.A.R.T.
Hầu hết các loại ổ cứng hiện đại đều có một tính năng có tên là S.M.A.R.T. (Self-Monitoring, Analysis, and Reporting Technology), giúp theo dõi các thuộc tính của ổ cứng để phát hiện nếu nó bị lỗi. Bằng cách đó, máy tính của bạn sẽ tự động thông báo cho bạn trước khi những sự cố về dữ liệu có thể xảy ra.
Trong hệ điều hành Windows, bạn có thể kiểm tra thủ công trạng thái S.M.A.R.T. của ổ cứng bằng Command Prompt. Bạn chỉ cần gõ tìm kiếm “cmd” để thấy Command Prompt.
Khi cửa số Command Prompt bật lên, bạn hãy gõ câu lệnh rồi nhấn Enter:
wmic diskdrive get model,status
Kết quả trả về sẽ là “Pred Fail” nếu ổ cứng của bạn sắp hỏng, hoặc “OK” nếu ổ cứng vẫn đang hoạt động tốt.
Còn trong hệ điều hành macOS, bạn mở Disk Utility từ /Applications/Utilities/, nhấp vào ổ cứng để xem trạng thái S.M.A.R.T. ở phần dưới cùng bên trái, cũng sẽ có nội dung tương tự là “Verified” nếu ổ cứng còn hoạt động tốt, hoặc “Failing” nếu ổ cứng sắp hỏng.
Cách kiểm tra sức khoẻ ổ cứng trên máy tính bằng phần mềm
Tuy nhiên thông tin từ S.M.A.R.T. là quá cơ bản và ít ỏi nên khó có thể thỏa mãn được. Nó chỉ cung cấp được thông tin khi ổ cứng đã gần hỏng rồi, nhưng bạn có thể bắt đầu gặp sự cố ngay cả khi trạng thái S.M.A.R.T. thông báo ổ cứng vẫn ổn.
Vậy nên để có thể kiểm tra sức khoẻ ổ cứng trên máy tính kỹ càng hơn, chúng tôi khuyên bạn nên tải xuống phần mềm CrystalDiskInfo (Free) cho hệ điều hành Windows, hoặc DriveDx (20$) cho hệ điều hành macOS. Cả hai đều sẽ cung cấp thông tin S.M.A.R.T. chi tiết hơn rất nhiều so với thông tin mà máy tính của bạn tự cung cấp.
Thay vì chỉ thông báo trạng thái ổ cứng của bạn là “OK” hoặc “Bad”, CrystalDiskInfo và DriveDx có nhiều loại trạng thái để thông báo hơn, chẳng hạn “Caution” hoặc “Warning”. Các trạng thái này áp dụng cho ổ cứng đang bắt đầu bị hao mòn. (Bạn có thể đọc thêm về cách CrystalDiskInfo áp dụng các trạng thái đó tại đây).
Trường hợp bạn muốn có được thông tin về sức khỏe ổ cứng sâu hơn nữa, chính xác hơn nữa, hãy kiểm tra trang web của nhà sản xuất để tìm được một phần mềm chuyên dụng. Ví dụ: Seagate có SeaTools, Western Digital có Western Digital Dashboard và Samsung có Samsung Magician cho các sản phẩm ổ cứng của họ.
Nếu ổ cứng của bạn đã hỏng (hoặc sắp hỏng)
Các ổ cứng có trạng thái “Caution” hoặc “Pred Fail” sẽ không nhất thiết sẽ bị lỗi vào ngày mai. Khả năng cao chúng có thể tiếp tục hoạt động trong một hoặc hai năm nữa, nhưng nếu không may thì cũng có thể hỏng bất thình lình chỉ vào tuần sau. Vì thế nếu bạn nhận được cảnh báo, đã đến lúc bạn nghĩ đến việc sao lưu dữ liệu của mình trước khi ổ cứng dừng hoạt động hẳn.
Nếu gặp phải trường hợp ổ cứng của bạn hỏng đột ngột, mọi thứ sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Và có thể bạn sẽ cần tới một dịch vụ khôi phục dữ liệu chuyên nghiệp như DriveSavers, với mức giá lên tới 1000$, thậm chí có thể là hơn.
Lời cuối cùng trước khi kết thúc bài viết, nếu bạn có bất kỳ thắc mắc hay góp ý về nội dung chúng tôi đã đề cập trong “Hướng dẫn cách kiểm tra sức khoẻ ổ cứng trên máy tính Windows/MacOS”, hãy chia sẻ ý kiến của bạn bằng khung bình luận bên dưới nhé.
Chúc bạn một ngày tốt lành !!!