Home Thủ Thuật Máy Tính Ổ cứng SSD và HDD: cái nào tốt hơn cho nhu cầu của bạn?

Ổ cứng SSD và HDD: cái nào tốt hơn cho nhu cầu của bạn?

by Hoàng Trần



Chào mừng bạn đến với bài hướng dẫn về ổ cứng SSD và HDD của chúng tôi. Tại đây, chúng tôi sẽ trình bày những ưu nhược điểm của ổ cứng truyền thống (HDD) và ổ cứng thể rắn (SSD), để qua đó giúp bạn biết được cái nào tốt hơn cho nhu cầu của mình.

Ổ cứng SSD và HDD: cái nào tốt hơn cho nhu cầu của bạn?

Khi bạn đang tìm mua một bộ PC hoặc một chiếc laptop mới, hay chỉ đơn giản là bạn đang nghiên cứu cách nâng cấp máy tính của mình, bạn sẽ thấy rất nhiều tài liệu tham khảo về cả SSD và HDD, nhưng cái nào là tốt nhất cho bạn? Ngay sau đây, chúng tôi sẽ so sánh hai loại thiết bị lưu trữ đó, xem chúng vượt trội ở những tác vụ nào cũng như không quá giỏi ở đâu.

Nếu đang sử dụng máy tính để bàn, bạn có thể dễ dàng lắp đặt cả hai loại ổ cứng cùng một lúc sẽ là rất tốt. Và nếu bạn muốn đi theo lộ trình đó, bài hướng dẫn này cũng sẽ giúp bạn xác định những cách tốt nhất để sử dụng kết hợp ổ cứng nhằm tối đa hóa hiệu suất.

Nhưng, trước khi đi sâu vào so sánh công nghệ SSD và HDD, có lẽ chúng ta hãy xem nhanh qua từng loại.

Ổ cứng truyền thống (HDD) là gì?

Ổ cứng truyền thống (HDD) sử dụng đĩa quay

Ổ cứng truyền thống (HDD) sử dụng đĩa quay

Ổ đĩa cứng truyền thống rất hay được trang bị trong những bộ máy tính để bàn, giúp lưu trữ hệ điều hành, cùng với bất kỳ ứng dụng và trò chơi nào bạn cài đặt, cũng như các tệp và thư mục của bạn,…

Ổ cứng truyền thống chứa một đĩa tròn – là nơi lưu trữ dữ liệu của bạn. Khi đĩa quay, cho phép bộ phận read-write đọc dữ liệu trên đĩa (hoặc ghi dữ liệu vào đĩa) khi nó đi qua. Đĩa quay càng nhanh, ổ cứng hoạt động càng nhanh. Điều này có thể ảnh hưởng đến tốc độ phản hồi của hệ điều hành, và thời gian các ứng dụng được cài đặt trên ổ đĩa có thể load và mở lên.

Các ổ cứng đời cũ hơn sử dụng cổng IDE để kết nối với mainboard của PC, nhưng hầu hết các ổ cứng hiện đại đều sử dụng cổng kết nối SATA. Phiên bản mới nhất của SATA, SATA III, được tìm thấy trên các bo mạch chủ hiện đại và cho phép truyền dữ liệu nhanh nhất có thể cho một ổ HDD.



Ổ cứng thể rắn (SSD) là gì?

Ổ cứng thể rắn (SSD) đem tới các cách nhanh hơn để lưu trữ dữ liệu

Ổ cứng thể rắn (SSD) đem tới các cách nhanh hơn để lưu trữ dữ liệu

Ổ cứng thể rắn (SSD) là công nghệ lưu trữ mới hơn, và nó chỉ mới được nổi lên trong thời gian gần đây khi mức giá bán đã dễ chịu hơn. Nếu bạn đang sở hữu một chiếc laptop hiện đại, thì có khả năng cao là nó sử dụng ổ SSD.

Như cái tên cho thấy, ổ cứng thể rắn – không giống như ổ cứng truyền thống – không có bộ phận chuyển động. Thay vào đó, nó sử dụng bộ nhớ flash NAND. Ổ cứng SSD nào càng có nhiều chip nhớ NAND thì càng có nhiều dung lượng lưu trữ. Ngày nay, công nghệ hiện đại cho phép SSD có nhiều chip NAND hơn bao giờ hết, nghĩa là SSD đã có thể có dung lượng tương tự như HDD.

Nhiều ổ cứng SSD có cổng SATA III, tức là chúng có thể dễ dàng lắp đặt thay thế cho HDD. Tuy nhiên, thông lượng dữ liệu tối đa của cổng SATA III chỉ là 600MB/s, mặc dù điều này quá dư thừa đối với ổ cứng HDD, nhưng SDD lại có khả năng có tốc độ nhanh hơn rất nhiều con số đó, vậy nếu bạn có ổ cứng SSD với kết nối SATA III, hiệu suất của ổ cứng thực sự đang bị kìm hãm bởi kết nối SATA của nó.

Kết nối SATA III của Ổ cứng SSD

Kết nối SATA III của Ổ cứng SSD

Để tránh sự “nghẽn cổ chai” đó, bạn có thể chọn mua loại SSD có kết nối PCIe. Các ổ cứng này cắm thẳng vào làn PCIe của bo mạch chủ, cho phép tốc độ nhanh hơn rất nhiều. Tuy nhiên, nếu bạn có bo mạch chủ kích thước nhỏ hơn hoặc bạn muốn sử dụng làn PCIe của mình cho các thiết bị khác, chẳng hạn như card đồ họa / card âm thanh, vậy thì bạn có thể không muốn SSD chiếm dụng mất một làn.

Ổ cứng SSD sử dụng kết nối PCIe

Ổ cứng SSD sử dụng kết nối PCIe để cải thiện tốc độ

Ngoài ra, có một kết nối ngày càng phổ biến khác cho SSD là M.2. Nếu laptop của bạn sử dụng ổ cứng SSD, rất có thể nó đang sử dụng kết nối M.2 và hầu hết các máy tính để bàn hiện đại đều có bo mạch chủ với cổng M.2. Đem so với các ổ cứng SSD khác, SSD M.2 nhỏ gọn hơn, nghĩa là chúng có thể dễ dàng lắp đặt mà không ảnh hưởng đến các thành phần khác của bạn.

Ổ cứng SSD có kết nối M.2

Ổ cứng SSD có kết nối M.2

NVMe (Non-Volatile Memory Express) là công nghệ SSD mới nhất và cung cấp tốc độ truyền dữ liệu cực kỳ nhanh chóng.



Ổ cứng SSD và HDD: cái nào tốt hơn cho nhu cầu của bạn?

1. Mức giá bán

Khi bạn phải lựa chọn giữa SSD và HDD, điểm khác biệt lớn mà bạn sẽ nhận thấy ngay từ đầu là mức giá bán. SSD hầu như luôn đắt hơn trên mỗi gigabyte dung lượng so với ổ cứng truyền thống HDD. Nhưng chưa hết, bạn cần lưu ý thêm rằng một số loại SSD lại tiếp tục đắt hơn những loại SSD khác, các ổ cứng SSD SATA III cũ hơn chắc chắn sẽ rẻ hơn SSD M.2 và PCIe.

Nếu bạn muốn có nhiều dung lượng lưu trữ nhất với số tiền ít nhất, ổ cứng HDD là lựa chọn phù hợp. Quy trình sản xuất cho các ổ cứng truyền thống hiện nay tương đối rẻ, điều này giúp cho chúng có giá cả phải chăng hơn.

Bạn có thể tìm mua được một số ổ cứng HDD dung lượng lớn với giá rất thấp, nhưng nếu bạn đang lưu giữ các dữ liệu quan trọng trên các ổ cứng đó, tốt nhất bạn vẫn nên xem các bài đánh giá và báo cáo của người dùng về độ tin cậy của chúng.



2. Dung lượng

Liên quan chặt chẽ đến giá cả khi so sánh SSD và HDD là dung lượng lưu trữ của chúng. Nói chung, nếu bạn đang muốn có nhiều dung lượng lưu trữ, ổ cứng HDD là lựa chọn phù hợp hơn.

HDD thường có dung lượng từ 40GB đến 12TB cho ổ cứng thương mại, trong khi đó, có những dung lượng thậm chí còn lớn hơn cho mục đích sử dụng của doanh nghiệp. Ngày nay, bạn có thể mua một ổ cứng HDD 2TB với giá cả phải chăng, giúp cung cấp dư dả dung lượng lưu trữ cho bạn. Còn những ổ cứng HDD có dung lượng khoảng 8TB đến 12TB chủ yếu được sử dụng cho server và thiết bị NAS, nơi cần nhiều không gian để chứa các bản sao lưu.

Nói chung, chúng tôi khuyên bạn nên có nhiều ổ cứng nhỏ hơn thay vì một ổ cứng lớn. Điều này là do nếu ổ cứng chẳng may bị lỗi, bạn có thể mất tất cả dữ liệu của mình – lúc đó nếu dữ liệu của bạn được lưu giữ trên nhiều ổ cứng, nếu một ổ cứng bị lỗi, bạn sẽ không mất tất cả.

Vì vậy, ổ cứng HDD rất tốt để lưu trữ nhiều tệp lớn, chẳng hạn như bộ sưu tập ảnh, video và trò chơi của bạn.

Trước đây, một ổ cứng SSD thường không thể có được dung lượng lớn như vậy, nhưng nhờ những tiến bộ lớn trong công nghệ, hiện nay bạn có thể nhận được SSD với dung lượng lưu trữ hàng terabyte. Tuy nhiên, các SDD dung lượng lớn thường đi kèm với mức giá cao ngất ngưởng.

Theo lời khuyên của chúng tôi thì bạn nên chọn một ổ cứng SSD nhỏ hơn, có thể trong khoảng 160GB đến 256GB, để chứa hệ điều hành cùng những chương trình mà bạn muốn tận dụng tốc độ cao hơn của SSD (ví dụ như Trình duyệt Chrome, bộ công cụ Microsoft Office, hay bộ công cụ Adobe,…). Sau đó, sử dụng ổ cứng HDD để lưu trữ các tệp khác mà tốc độ không quan trọng bằng.



3. Tốc độ

Trong trận đấu giữa SSD và HDD, tốc độ mới là nơi chúng ta thực sự thấy sự khác biệt. Ổ cứng thể rắn nhanh hơn khá nhiều so với ổ cứng truyền thống, nhưng với công nghệ SSD luôn phát triển mạnh mẽ và “nút thắt cổ chai” SATA III đã được loại bỏ, sự khác biệt giờ đây rõ ràng hơn bao giờ hết.

Hãy xem xét tốc độ HDD trước. Vì sử dụng đĩa quay, tốc độ sẽ phần lớn phụ thuộc vào RPM (revolutions per minute – số vòng quay mỗi phút) mà ổ cứng có khả năng: RPM càng cao, HDD có thể hoạt động càng nhanh. Nhiều ổ cứng HDD ngân sách thấp có thông số RPM là 5400 RPM, đây là tốc độ chậm nhất mà các ổ cứng hiện đại còn có thể có – vì vậy bạn nên chọn một ổ có thể đạt tới 7200 RPM, đây là mức đánh giá của hầu hết các ổ cứng HDD hiện đại.

Thông số RPM càng cao, ổ cứng HDD càng nhanh

Thông số RPM càng cao, ổ cứng HDD càng nhanh

Bạn có thể nhận được các ổ cứng HDD có RPM cao hơn nữa, lên đến 10000 RPM và thậm chí cao hơn, nhưng những ổ này hiếm hơn và đắt hơn.

Tốc độ SSD và HDD được đo bằng MB/s cho cả tốc độ đọc (tốc độ ổ cứng có thể đọc dữ liệu) và ghi (tốc độ dữ liệu có thể được ghi vào ổ cứng). Ngoài ra còn có những yếu tố khác quyết định tốc độ ổ cứng, chẳng hạn như dung lượng, nhưng nhìn chung ổ cứng HDD SATA III ở 5400 RPM sẽ có tốc độ khoảng 100MB/s, trong khi 7200 RPM sẽ là 150MB/s.

SSD thì không có bất kỳ bộ phận chuyển động nào, nên tốc độ của chúng không phụ thuộc vào RPM mà phụ thuộc vào công nghệ và cổng kết nối dữ liệu. Một ổ cứng thể rắn có kết nối SATA III sẽ đạt được tốc độ đọc ghi khoảng 530MB/s, mặc dù một số ổ sẽ nhanh hơn – nhưng sẽ đạt tốc độ tối đa ở 600MB/s.

Vì vậy, ngay cả với kết nối SATA III làm giới hạn tốc độ của ổ cứng SSD, bạn vẫn nhận được tốc độ gấp khoảng 4 lần so với ổ cứng truyền thống HDD. Tuy nhiên, nếu bạn sử dụng một trong những kết nối được tối ưu hóa tốt hơn cho SSD, sự khác biệt về tốc độ sẽ thực sự mở ra.

Tốc độ trung bình cho SSD PCIe hoặc M.2 nằm trong khoảng từ 1,2GB/s đến 1,4GB/s, nếu bạn có đủ ngân sách, thậm chí một số sản phẩm cao cấp hơn có thể đạt tới 2,2GB/s. Vì vậy, bạn đang xem xét tốc độ gấp khoảng 10 lần nếu bạn mua một trong những ổ cứng SSD này.

Nói tóm lại, khi nói đến tốc độ và hiệu suất, SSD chắc chắn là lựa chọn tốt nhất.



4. Những cân nhắc khác

Khi nghĩ đến việc nên chọn mua SSD hay HDD, còn có những điều khác mà bạn nên cân nhắc. Ví dụ, vì SSD không có bất kỳ bộ phận chuyển động nào nên chúng chắc chắn hơn và chống va đập tốt hơn. Điều này giúp chúng trở thành lựa chọn tốt hơn cho laptop và các thiết bị yêu cầu tính di động khác.

Ổ cứng SSD cũng có thể sử dụng ít điện năng hơn so với HDD, điều đó nghĩa là laptop có thể được hưởng lợi từ thời lượng pin lâu hơn khi sử dụng SSD (mặc dù điều này sẽ phụ thuộc vào loại SSD bạn sử dụng và bạn sử dụng nó để làm gì).

Vậy SSD hay HDD là tốt nhất cho bạn? Trong khi SSD cho tốc độ nhanh hơn, mạnh mẽ hơn và tiết kiệm điện hơn, thì HDD lại có giá cả phải chăng hơn, đặc biệt là khi bạn cần có dung lượng lưu trữ thật lớn. Nhưng như chúng tôi cũng đã đề cập trước đó, nếu có thể thì rất đáng để bạn mua một ổ cứng SSD nhỏ hơn cho hệ điều hành và chương trình quan trọng, kết hợp cùng với một ổ cứng HDD để lưu trữ các tệp khác của bạn.

Ngoài ra, còn có các ổ cứng lai “hybrid” (được gọi là SSHD), cung cấp những gì tốt nhất của cả “hai thế giới”, với tốc độ của SSD cùng dung lượng của HDD trong một ổ cứng duy nhất. Bạn nên xem xét nếu thiết bị của mình không có đủ không gian cho việc lắp đặt nhiều ổ cứng.

Lời cuối cùng trước khi kết thúc bài viết, nếu bạn có bất kỳ thắc mắc hay góp ý về nội dung chúng tôi đã đề cập trong “Ổ cứng SSD và HDD: cái nào tốt hơn cho nhu cầu của bạn?“, hãy chia sẻ ý kiến của bạn bằng khung bình luận bên dưới nhé.

Chúc bạn một ngày tốt lành !!!

5/5 - (3 bình chọn)

Có thể bạn sẽ thích

Để lại Bình luận