Nếu bạn đang muốn tìm mua hay tự build lên một bộ PC phục vụ tốt cho nhu cầu của mình, chắc hẳn bạn sẽ có những thắc mắc liên quan như: RAM là gì, nó có chức năng gì, máy tính cần bao nhiêu RAM mới đủ dùng,…
Vậy, hãy cùng chúng tôi đi tìm câu trả lời trong bài viết này nhé.
RAM là gì?
RAM (Random-access memory) dịch ra là Bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên. Nó là một thành phần tốc độ cao tạm thời lưu trữ tất cả thông tin mà thiết bị cần, cả ở hiện tại và sắp xảy ra. Truy cập dữ liệu trong RAM cực kỳ nhanh, không giống như ổ cứng chậm hơn nhưng lại cung cấp khả năng lưu trữ lâu dài.
RAM đã trở thành một phần thiết yếu trong hầu hết các thiết bị, từ PC, smartphone cho đến máy chơi game console. Nếu không có RAM, việc thực hiện bất kỳ thứ gì trên bất kỳ hệ thống nào cũng sẽ chậm hơn rất nhiều. Mặt khác, việc không có đủ lượng RAM cho ứng dụng hoặc tựa game mà bạn đang cố gắng chạy có thể khiến mọi thứ “như rùa bò”, hoặc thậm chí ngăn luôn chúng khởi chạy.
Hãy lấy một ví dụ so sánh cho dễ hiểu hơn, bạn có thể coi RAM giống như một chiếc bàn làm việc trong văn phòng. Bàn sẽ giúp bạn đặt lên các tài liệu quan trọng, bút viết và các vật dụng khác mà bạn cần sử dụng nhanh ngay bây giờ. Nếu không có chiếc bàn đó, bạn sẽ phải cất giữ mọi thứ trong các ngăn kéo và tủ hồ sơ, có nghĩa là sẽ mất nhiều thời gian hơn để thực hiện các công việc hàng ngày của bạn.
RAM – Bộ nhớ ngắn hạn
RAM về cơ bản chính là bộ nhớ ngắn hạn của thiết bị. Nó tạm thời lưu trữ (ghi nhớ) mọi thứ hiện đang được chạy, ví dụ như các dịch vụ dành riêng cho hệ điều hành, trình duyệt web, trình chỉnh sửa hình ảnh hoặc tựa game bạn đang chơi.
RAM sẽ ngăn không cho CPU máy tính “đào tới” những bộ nhớ chậm hơn của thiết bị – như ổ cứng HDD hay thậm chí là ổ cứng SSD – mỗi khi bạn yêu cầu tab trình duyệt mới hoặc cần load ra kẻ thù mới để bắn hạ hắn. Trong những năm qua, mặc dù tốc độ ổ cứng đã được cải thiện đáng kể nhưng chúng vẫn chậm hơn nhiều so với RAM.
Dữ liệu nằm trong RAM có thể đọc được từ bất kỳ thành phần có khả năng nào với tốc độ gần như tương tự. Bởi vì nó tích hợp kết nối có dây với thiết bị, không có độ trễ thực sự trong việc đi cáp hoặc kết nối.
Tuy nhiên, hãy lưu ý một điều quan trọng là RAM không ghi nhớ mọi thứ mãi mãi. Đó là một công nghệ “dễ bay hơi”, có nghĩa là một khi tắt nguồn điện nó sẽ quên mọi thứ. Điều đó làm cho nó hoàn hảo để xử lý vô số tác vụ tốc độ cao mà thiết bị của bạn phải thực hiện mỗi ngày.
Nhưng đó cũng là lý do tại sao luôn cần phải có các hệ thống lưu trữ như ổ cứng đi cùng. Không giống như RAM, chúng vẫn giữ lại được dữ liệu khi thiết bị tắt nguồn.
Ghi chú: Liên hệ với thực tế, có phải bạn luôn nhận thấy khi tắt/bật thì máy tính hoạt động trơn tru trở lại đúng không? Một phần lớn là do RAM đã được “làm sạch” như ban đầu.
Phân biệt các loại RAM khác nhau
Hiện nay, loại RAM phổ biến nhất được bán trên thị trường là DDR4, mặc dù các hệ thống cũ hơn có thể vẫn còn sử dụng DDR3 hoặc thậm chí là DDR2. Thế hệ RAM sẽ biểu thị qua các con số, với mỗi thế hệ kế tiếp cung cấp tốc độ nhanh hơn thông qua băng thông lớn hơn – tức megahertz (MHz) cao hơn. Mỗi thế hệ RAM cũng có những thay đổi vật lý, vì vậy chúng không thể hoán đổi cho nhau.
Ngoài ra còn có một thuật ngữ phổ biến khác, đặc biệt khi nhắc đến thế giới trò chơi điện tử, đó là VRAM (video RAM). VRAM hiện được sử dụng để biểu thị bộ nhớ chuyên dụng trên card đồ họa, thường có ký hiệu thế hệ, như GDDR6.
Hầu hết các loại card đồ họa hiện đại đều sử dụng GDDR6. Tuy nhiên, một số có thể sử dụng một dạng VRAM khác được gọi là High Bandwidth Memory (HBM, HBM2, và HBM2e) – tạm dịch Bộ nhớ băng thông cao. Mặc dù có những lợi thế riêng biệt về hiệu suất, nhưng nó thường đắt đỏ và các vấn đề về nguồn cung cấp gây cản trở việc áp dụng rộng rãi.
Máy tính cần bao nhiều RAM mới đủ dùng?
Khi mua RAM cho máy tính, điều quan trọng nhất bạn phải cân nhắc là số dung lượng cần thiết. Bạn hãy tham khảo yêu cầu phần cứng tối thiểu để chạy hệ điều hành, trong khi nhiều tựa game và phần mềm cũng có. Những yêu cầu đó được liệt kê bằng gigabyte (GB) và thường nằm trong khoảng 1GB đến 8GB.
Có nhiều dung lượng RAM hơn yêu cầu tối thiểu cũng là điều cần thiết, vì máy tính không chỉ chạy ứng dụng hiện tại mà còn chạy các dịch vụ và tác vụ khác trong nền.
Dù vậy số lượng không phải là khía cạnh quan trọng duy nhất của RAM. Đúng thật là nhiều gigabyte hơn có thể giúp đa nhiệm, bộ nhớ nhanh hơn sẽ cải thiện tốc độ tổng thể trong một số tựa game và ứng dụng nhất định. Tuy nhiên, nếu trang bị một lượng RAM quá lớn, khi vượt qua một ngưỡng nào đó sẽ là thừa thãi và không nhất thiết làm cho máy tính chạy nhanh hơn.
Tóm lại, không thể trả lời chính xác cho câu hỏi “Máy tính cần bao nhiều RAM mới đủ dùng?“. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu và khả năng tài chính của bạn. Nhưng nếu bạn cần một vài con số để tham khảo, 16GB RAM là đủ cho hầu hết mọi nhu cầu cơ bản của mọi người, nâng cấp lên 32GB với những nhu cầu cao hơn như làm đồ họa nặng hay biên tập, render video 4K.
Tương tự như một CPU, RAM cũng có tốc độ xung nhịp, giúp kiểm soát hiệu quả lượng dữ liệu mà nó có thể xử lý mỗi giây khi kết hợp với một vài yếu tố khác. Tổng tốc độ của bộ nhớ được gọi là băng thông, và được đo bằng megabyte mỗi giây (MBps). Nhưng theo truyền thống, bạn sẽ thấy bộ nhớ được bán trên thị trường với tốc độ tính bằng megahertz (MHz).
Bộ nhớ DDR4 điển hình trong khoảng từ 2133MHz đến 3000MHz, một số có thể chạy lên đến 4866MHz. Bạn sẽ thấy những thứ này được bán trên thị trường gán nhãn là DDR4-2133 hoặc tương tự, đôi khi cũng có nhãn “PC” gây nhầm lẫn, nhưng số theo sau “PC” chỉ đơn giản là tốc độ MHz nhân với tám rồi làm tròn. Ví dụ, DDR4-2133 PC4-17000.
Timing là một khía cạnh khác của bộ nhớ có thể ảnh hưởng đến hiệu suất của RAM, mặc dù chúng không còn quá quan trọng nữa. Đó thực sự là thời gian giữa các chu kỳ xung nhịp và khi tốc độ bộ nhớ tăng lên, thời gian cũng tăng, độ trễ giảm. Thông thường, timing được liệt kê dưới dạng một dãy số được phân tách bằng dấu gạch ngang, chẳng hạn như 15-15-15-35 hoặc tương tự.
Khi mua RAM, timing chỉ quan trọng khi xem xét bộ nhớ hiệu suất cao để đo điểm chuẩn (benchmarking) hoặc chơi các tựa game cạnh tranh hàng đầu. Người tiêu dùng bình thường không cần thực sự quan tâm đến vấn đề timing.
Điều cuối cùng khi nói về RAM, chúng ta có các loại “channel”. Hầu hết các thanh RAM được bán hiện nay đều ít nhất hỗ trợ Dual Channel, có nghĩa là có hai làn giữa một khe cắm RAM và bộ điều khiển bộ nhớ của CPU trên mainboard. Tuy nhiên, thiết kế này yêu cầu hai thanh RAM cùng loại, cùng tốc độ, và hỗ trợ Dual Channel.
Ngoài ra còn có các bộ RAM cao cấp, với ba hoặc bốn module hỗ trợ thiết kế bộ nhớ Triple Channel hay Quad Channel.
Đối với các mục đích thực tế, thiết kế multichannel không tạo ra sự khác biệt lớn về hiệu suất hàng ngày. Tuy nhiên, nếu bạn muốn tận dụng bộ nhớ Dual Channel trở lên, hãy đảm bảo lắp các thanh RAM vào đúng các khe có cùng màu trên mainboard.
Nếu cần, bạn hãy kiểm tra tờ hướng dẫn sử dụng để được trợ giúp thêm về mặt đó.
RAM quan trọng như thế nào?
RAM là rất quan trọng. Có quá ít RAM sẽ dẫn đến hiệu suất chậm chạp, mặc dù các thiết bị nhỏ hơn như smartphone và máy tính bảng không cần nhiều RAM như các dòng máy tính gaming cao cấp. Tuy nhiên, việc lắp đặt số lượng lớn RAM hoặc sử dụng mức MHz cao nhất không có nghĩa là thiết bị sẽ chạy nhanh như vũ bão. Hãy nhớ rằng RAM chỉ là một phần của “phương trình tổng thể”.
Khi nói đến việc cải thiện hiệu suất tổng thể của máy tính, hãy xem xét các phần cứng liên quan. CPU hoặc card đồ họa nhanh hơn thường sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ tổng thể hơn so với nâng cấp bộ nhớ RAM. Tuy nhiên, với một số CPU (như dòng AMD Ryzen), thu được nhiều lợi ích đáng kể hơn với việc nâng cấp bộ nhớ RAM.
Nâng cấp từ ổ cứng HDD lên SSD cũng là một bước tiến lớn đúng hướng. Việc chuyển sang SSD nghĩa là bạn đã tăng tốc độ cho thành phần lưu trữ chậm nhất lên một mức đáng kể, góp phần rất lớn vào việc làm cho một bộ máy tính trở nên linh hoạt hơn.
Lời cuối cùng trước khi kết thúc bài viết, nếu bạn có bất kỳ thắc mắc hay góp ý về nội dung chúng tôi đã đề cập trong “RAM là gì? Máy tính cần bao nhiều RAM mới đủ dùng?“, hãy chia sẻ ý kiến của bạn bằng khung bình luận bên dưới nhé.
Chúc bạn một ngày tốt lành !!!