Bạn thích thiết bị lưu trữ giá rẻ và có dung lượng “dồi dào”, hay là thích tốc độ cực nhanh và chống va đập tốt? Bài viết dưới đây của chúng tôi sẽ giải thích SSD và HDD là gì, cũng như so sánh chi tiết sự khác biệt giữa hai loại ổ cứng này.
Nếu mua một chiếc laptop siêu gọn nhẹ bất cứ lúc nào trong vài năm qua, rất có thể bạn sẽ nhận được ổ cứng thể rắn (SSD) làm ổ khởi động chính. Thậm chí, một số lượng lớn laptop gaming cũng đã chuyển dần sang ổ khởi động SSD, trong khi chỉ một số ít dòng máy tính giá rẻ vẫn ưa chuộng ổ đĩa cứng (HDD).
Tương tự, ổ khởi động trong các bộ máy tính để bàn build sẵn hiện nay chủ yếu cũng là SSD, ngoại trừ các mẫu rẻ nhất. Trong một số trường hợp, máy tính để bàn sử dụng kết hợp cả hai loại ổ cứng này, với SSD làm ổ khởi động và HDD làm phần bổ sung lưu trữ dung lượng lớn hơn.
Tuy nhiên, nếu phải chọn chỉ một, bạn nên chọn như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu sự khác biệt giữa SSD và HDD, đồng thời đi nhanh qua những ưu nhược điểm của từng loại để giúp bạn quyết định dễ dàng hơn.
SSD và HDD là gì?
Ổ cứng quay truyền thống (HDD) là ổ lưu trữ cơ bản trên máy tính, không giống như dữ liệu được lưu trữ trong RAM, thông tin trên đó không bị “biến mất” khi bạn tắt nguồn hệ thống. Về cơ bản, ổ cứng là một đĩa kim loại có lớp phủ từ tính để lưu trữ dữ liệu, cho dù đó là gì đi chăng nữa (các tựa game, phim ảnh, hay bộ sưu tập nhạc của bạn,…). Phần đầu đọc / ghi sẽ truy cập dữ liệu trong khi đĩa đang quay.
Ổ cứng SSD thực hiện chức năng cơ bản tương tự như HDD, nhưng thay vào đó, dữ liệu được lưu trữ trên các chip bộ nhớ flash được kết nối với nhau để giữ lại dữ liệu ngay cả khi không có nguồn điện chạy qua chúng. Các chip flash này (thường gọi là “NAND”) thuộc loại khác với loại được sử dụng trong ổ USB – nhanh hơn và đáng tin cậy hơn. Do đó, ổ SSD đắt hơn ổ USB cùng dung lượng. (Nếu muốn, bạn có thể xem thêm bài viết chuyên sâu hơn của chúng tôi về riêng ổ cứng SSD.)
Ổ cứng SSD thường có kích thước nhỏ hơn nhiều so với HDD, do đó, các nhà sản xuất sẽ có thể linh hoạt hơn trong việc thiết kế PC. Mặc dù chúng có thể thay thế cho các khay ổ cứng 2.5 inch hoặc 3.5 inch truyền thống, nhưng chúng cũng có thể được lắp vào khe cắm mở rộng PCI Express, hoặc thậm chí được gắn trực tiếp trên mainboard – một cấu hình phổ biến hiện nay trong các laptop high-end và all-in-one. (Các SSD gắn trên bo mạch này sử dụng dạng thức được gọi là SSD M.2.)
Lịch sử của HDD và SSD
Nói về lịch sử máy tính, công nghệ ổ cứng đã có từ thời tương đối xa xưa. Bạn có thể tìm thấy những bức ảnh nổi tiếng về ổ cứng IBM 650 RAMAC từ năm 1956 sử dụng 50 đĩa cứng rộng 24 inch để chứa 3.75MB dung lượng lưu trữ. Tất nhiên, chừng đó chỉ bằng kích thước trung bình của một tệp MP3 128Kbps ngày nay, được lưu trữ trong không gian vật lý có thể đặt vừa tới hai chiếc tủ lạnh. RAMAC 350 được giới hạn cho mục đích sử dụng của chính phủ và công nghiệp, và nó đã lỗi thời vào năm 1969…
Tới đầu những năm 1980, dạng thức ổ cứng PC được chuẩn hóa ở kích thước 5.25 inch, và các loại ổ cứng dành cho máy tính để bàn 3.5 inch / 2.5 inch quen thuộc ngày nay đã sớm ra mắt sau đó. Kết nối cáp bên trong cũng đã thay đổi trong nhiều năm, từ nối tiếp sang IDE (bây giờ thường được gọi là Parallel ATA, hoặc PATA), đổi sang tiếp SCSI và cho tới Serial ATA (SATA). Nhưng về cơ bản, mỗi thứ đều làm một việc giống nhau: kết nối ổ cứng với mainboard của PC để dữ liệu của bạn có thể được chuyển đi chuyển lại.
Ngày nay, các ổ cứng 2.5 và 3.5 inch chủ yếu sử dụng cổng giao thức SATA (mặc dù nhiều ổ SSD tốc độ cao hiện sử dụng cổng giao thức PCI Express nhanh hơn). Dung lượng lưu trữ cũng đã tăng từ nhiều megabyte lên nhiều terabyte, tức là tăng hơn một triệu lần.
Nếu so với HDD thì lịch sử của SSD ngắn hơn nhiều, dù cho nó cũng đã xuất hiện từ cách đây tới vài thập kỷ. Các công nghệ như “bubble memory flashed” (chơi chữ, tạm dịch là “bộ nhớ bong bóng lóe lên”) đã chết dần trong những năm 1970 – 1980. Bộ nhớ flash hiện tại là phần mở rộng hợp lý của cùng một ý tưởng đó, vì nó không yêu cầu nguồn điện liên tục để giữ lại dữ liệu bạn lưu trên đó. Các ổ cứng chính thức đầu tiên mà chúng ta biết đến là SSD bắt đầu xuất hiện trong thời kỳ phát triển của netbook, vào cuối những năm 2000. Tới năm 2007, OLPC XO-1 sử dụng SSD 1GB và dòng Asus Eee PC 700 sử dụng SSD 2GB làm thiết bị lưu trữ chính, các chip SSD trên những chiếc laptop này đã được hàn chết vào mainboard.
Khi netbook và các laptop siêu gọn nhẹ khác trở nên có tiềm năng phát triển hơn, dung lượng SSD được tăng lên và cuối cùng được tiêu chuẩn hóa trên dạng thức laptop 2.5 inch. Bằng cách này, bạn có thể tháo ổ cứng HDD 2.5 inch ra khỏi laptop / máy tính để bàn của mình và dễ dàng thay thế nó bằng một ổ cứng SSD, và các nhà sản xuất có thể thiết kế xoay quanh chỉ một loại khoang ổ cứng.
Theo thời gian, các dạng thức SSD khác nhỏ gọn hơn đã xuất hiện, như card SSD mSATA Mini PCIe và SSD M.2 đã nói ở trên (trong các biến thể SATA và PCI Express). M.2 thực sự đã trở nên phổ biến nhanh chóng trong thế giới SSD dành cho laptop, và ngày nay các ổ SSD vẫn sử dụng dạng thức 2.5 inch chủ yếu dành cho việc nâng cấp các máy tính thế hệ cũ hơn. (Tuy không được nhỏ gọn, nhưng bù lại, ổ cứng SSD kích thước 2.5 inch được thiết kế cho PC tiêu dùng hiện dung lượng có thể lên tới 8TB.)
Ưu nhược điểm của SSD và HDD
Ổ cứng SSD hiện đã là quy chuẩn trong các hệ thống phổ thông và laptop cao cấp như Apple MacBook Pro. Còn ít nhất là trong vài năm tới, máy tính để bàn và laptop rẻ hơn vẫn sẽ tiếp tục sử dụng ổ cứng HDD.
Về cơ bản thì cả ổ cứng SSD và HDD đều thực hiện công việc giống nhau: chúng khởi động hệ thống của bạn, lưu trữ các ứng dụng và tệp cá nhân của bạn. Nhưng mỗi loại hình lưu trữ có những đặc điểm riêng biệt. Vậy chúng khác nhau như thế nào, và tại sao bạn muốn có cái này hơn cái kia?
SSD so với HDD: Mức giá bán
Ổ cứng SSD đắt hơn HDD khá nhiều trên mỗi gigabyte. Ví dụ, một ổ cứng HDD 2.5 inch dung lượng 1TB có giá bán từ 40$ đến 60$, nhưng ở thời điểm chúng tôi viết bài này, các ổ cứng SSD rẻ nhất (có cùng dung lượng và kiểu dáng) đã bắt đầu vào khoảng 100$. Thậm chí, sự chênh lệch còn rõ ràng hơn nếu bạn nhìn vào những ổ cứng 3.5 inch dung lượng cao.
Vì ổ cứng HDD sử dụng công nghệ cũ hơn, chúng có thể sẽ vẫn rẻ hơn trong tương lai gần. Mặc dù khoảng cách giá thành trên mỗi gigabyte đang dần thu hẹp giữa ổ cứng HDD và SSD cấp thấp, nhưng những khoản tiền tăng thêm đó cho SSD có thể đội giá hệ thống PC của bạn vượt quá ngân sách dự tính.
SSD so với HDD: Dung lượng tối đa và Dung lượng phổ biến
Các ổ cứng SSD tiêu dùng hiếm khi có dung lượng lớn hơn 2TB, và chúng đắt tiền. Bạn có nhiều khả năng tìm thấy các sản phẩm 500GB đến 1TB được dùng làm ổ cứng chính trong hệ thống, mặc dù 500GB được coi là dung lượng ổ cứng “cơ bản” cho các laptop cao cấp ngày nay, những lo ngại về giá có thể đẩy mức đó xuống chỉ còn 128GB hoặc 256GB đối với các hệ thống dựa trên SSD giá thấp hơn.
Người dùng có bộ sưu tập phương tiện lớn hoặc những người làm việc trong lĩnh vực sáng tạo nội dung chắc chắn sẽ yêu cầu nhiều dung lượng lưu trữ hơn nữa, với ổ cứng 1TB đến 8TB có sẵn trong các hệ thống cao cấp. Về cơ bản, càng nhiều dung lượng, bạn càng có thể lưu giữ nhiều thứ trên PC của mình.
Mặc dù có thể lưu trữ trên đám mây là tốt cho các tệp mà bạn định chia sẻ giữa smartphone, máy tính bảng và PC của mình, nhưng lưu trữ cục bộ ít tốn kém hơn và bạn chỉ phải mua một lần, không phải trả phí đăng ký hàng tháng / hàng năm.
SSD so với HDD: Tốc độ
Đây mới thực sự là thời điểm cho ổ cứng SSD tỏa sáng. Một PC được trang bị ổ cứng SSD sẽ khởi động lên trong vòng chưa đầy một phút, thường chỉ trong vài giây. Trong khi một ổ cứng HDD cần thời gian để tăng tốc lên đến các thông số kỹ thuật làm việc, và nó vẫn sẽ tiếp tục chậm hơn SSD trong quá trình sử dụng bình thường.
PC / Mac có ổ cứng SSD khởi động nhanh hơn, khởi chạy ứng dụng nhanh hơn, đồng thời truyền tệp cũng nhanh hơn. Cho dù bạn đang sử dụng máy tính của mình để giải trí, để học tập hay dành cho công việc, tốc độ tăng thêm có thể là sự khác biệt giữa việc hoàn thành đúng giờ và muộn giờ.
Tiếp theo là một vấn đề phụ: sự phân mảnh. Do bề mặt ghi quay của ổ cứng HDD, chúng hoạt động tốt nhất với các tệp lớn hơn được đặt thành các block liền kề. Bằng cách đó, đầu truyền động có thể bắt đầu và kết thúc quá trình đọc của nó trong một chuyển động liên tục. Khi ổ cứng HDD bắt đầu đầy, các bit của tệp lớn cuối cùng sẽ nằm rải rác xung quanh khay đĩa, khiến ổ cứng bị cái gọi là “phân mảnh”. Dù cho các thuật toán đọc / ghi đã được cải thiện để giảm thiểu ảnh hưởng, nhưng ổ cứng vẫn có thể bị phân mảnh đến mức ảnh hưởng hiệu suất. Ổ cứng SSD thì không bị như vậy, vì chúng không sử dụng đầu đọc vật lý, nghĩa là dữ liệu có thể được lưu trữ ở bất cứ đâu mà không bị ảnh hưởng. Điều này góp phần vào bản chất nhanh hơn vốn có của SSD.
SSD so với HDD: Độ tin cậy và Độ bền
Ổ cứng SSD không có bộ phận chuyển động, vì vậy chúng có nhiều hơn khả năng giữ an toàn cho dữ liệu của bạn, trong trường hợp bạn làm rơi túi đựng laptop hoặc hệ thống của bạn bị rung lắc khi đang hoạt động. Vậy nếu bạn chưa chắc muốn sử dụng loại thiết bị nào, chúng tôi thực sự khuyên bạn nên sử dụng ổ cứng SSD.
SSD so với HDD: Dạng thức
Bởi vì ổ đĩa cứng HDD dựa vào đĩa quay, tức là sẽ tồn tại giới hạn đối với việc chúng có thể được sản xuất nhỏ như thế nào. Nhiều năm trước, có một sáng kiến tạo ra ổ cứng quay 1.8 inch nhỏ hơn, nhưng điều đó bị đình trệ ở khoảng 320GB và các nhà sản xuất smartphone chỉ sử dụng bộ nhớ flash để làm bộ nhớ lưu trữ chính.
Ổ cứng SSD không bị giới hạn như vậy, vì vậy chúng có thể tiếp tục nhỏ gọn theo thời gian. SSD có sẵn trong các kích thước ổ cứng laptop 2.5 inch, nhưng điều đó chỉ để thuận tiện cho việc lắp đặt trong các khoang ổ cứng đã được thiết lập. Tuy nhiên, chúng đang ngày càng chuyển nhiều hơn sang dạng thức M.2 và các ổ cứng này có các chiều dài chỉ 42mm, 60mm, 80mm và 120mm.
SSD so với HDD: Tiếng ồn, Điện năng và Tuổi thọ
Ngay cả những ổ cứng HDD hoạt động êm ái nhất cũng sẽ phải phát ra một chút tiếng ồn khi được sử dụng (do các đĩa cứng quay tròn và cánh tay đọc tích tắc qua lại). Ổ cứng HDD tốc độ nhanh hơn sẽ còn có xu hướng tạo ra nhiều tiếng ồn hơn so với ổ cứng chậm hơn. Trong khi đó, ổ cứng SSD không tạo ra tiếng ồn nào cả, chúng phi cơ học.
Thêm vào đó, ổ cứng SSD không cần phải tiêu tốn điện năng để làm cho đĩa bị ngừng hoạt động. Do đó, không có điện năng tiêu thụ bởi SSD bị lãng phí như ma sát hoặc tiếng ồn, làm cho chúng hoạt động hiệu quả hơn. Trên máy tính để bàn hoặc máy chủ, điều đó sẽ giúp mang đến hóa đơn tiền điện thấp hơn khá đáng kể. Trên laptop hoặc máy tính bảng, bạn sẽ có thể sử dụng thêm vài phút (hoặc hàng giờ) thời lượng pin.
Sau đó là vấn đề về tuổi thọ ổ cứng. Mặc dù đúng là SSD hao mòn theo thời gian (mỗi ô trong “ngân hàng” bộ nhớ flash có thể được ghi vào và xóa đi một số lần giới hạn, được các nhà sản xuất SSD đo lường dưới dạng “terabyte được ghi” hoặc TBW), nhờ lệnh TRIM công nghệ tối ưu hóa động các chu kỳ đọc / ghi này, bạn có nhiều khả năng loại bỏ hệ thống vì lỗi thời trước khi bắt đầu gặp lỗi đọc / ghi với SSD. Nếu bạn vẫn thực sự lo lắng, một số công cụ có thể cho bạn biết nếu bạn sắp sử dụng hết tuổi thọ được đánh giá của ổ cứng. Cuối cùng, ổ cứng HDD tất nhiên cũng sẽ bị hao mòn khi sử dụng liên tục, vì chúng sử dụng các phương pháp ghi vật lý.
Tham khảo thêm:
- Hướng dẫn cách kiểm tra tuổi thọ SSD trên Windows 10
- Top 5 phần mềm kiểm tra sức khỏe ổ cứng tốt nhất cho máy tính Windows
- Hướng dẫn cách kiểm tra sức khoẻ ổ cứng trên máy tính Windows và macOS
Đối tượng người dùng phù hợp của SSD và HDD
Giờ chúng ta hãy cùng tổng kết tất cả lại. Ổ cứng HDD thắng về mặt giá cả và dung lượng. Còn ổ cứng SSD là lựa chọn tốt nhất nếu tốc độ, sự chắc chắn, dạng thức, ít tiếng ồn hoặc phân mảnh là những yếu tố quan trọng đối với bạn. Do đó nếu không quá bận tâm đến vấn đề về giá cả và dung lượng, SSD sẽ dành chiến thắng tuyệt đối.
Nhưng liệu SSD hoặc HDD (hoặc kết hợp sử dụng cả hai loại) có phù hợp với nhu cầu của bạn không? Hãy chia nhỏ nó ra theo đối tượng người dùng:
Người dùng HDD
- Người dùng nhiều đa phương tiện và người dùng tải về nhiều: Bộ sưu tập video chắc chắn rất cần dung lượng, và bạn có thể dễ dàng nhận được dung lượng lưu trữ 8TB trở lên với giá rẻ, nhờ ổ cứng HDD.
- Người dùng ít ngân sách: Lý do rất đơn giản, đó là nhiều không gian lưu trữ với mức giá rẻ. SSD quá đắt đối với những người muốn mua PC dưới 300$.
- Chuyên gia kỹ thuật và nghệ thuật đồ họa: Các trình chỉnh sửa video / hình ảnh “ngốn” cạn kiệt bộ nhớ nhanh hơn hầu hết những thứ khác. Việc thay thế hoặc lắp thêm một ổ cứng HDD 2TB sẽ rẻ hơn một ổ cứng SSD 500GB, mặc dù khoảng cách đó đang dần được thu hẹp.
- Người dùng thông thường: Những người dùng thích tải xuống hoặc lưu trữ cục bộ số lượng lớn các tệp phương tiện của riêng họ sẽ vẫn cần một ổ cứng có dung lượng lớn hơn. Lúc này ổ cứng SSD nhanh chóng trở nên đắt đỏ cho các bộ sưu tập video và âm nhạc lớn. Nhưng nếu bạn chủ yếu phát trực tuyến nhạc và video của mình, thì việc mua một ổ cứng SSD dung lượng nhỏ hơn với cùng số tiền sẽ mang lại cho bạn trải nghiệm tốt hơn.
Người dùng SSD
- Người dùng đam mê tốc độ: Nếu bạn cần hoàn thành công việc ngay bây giờ, hãy chi thêm tiền cho ổ cứng SSD để khởi động hệ điều hành và khởi chạy ứng dụng nhanh hơn.
- Chuyên gia kỹ thuật và nghệ thuật đồ họa: Đúng vậy, chúng tôi biết rằng họ cần ổ cứng HDD, nhưng tốc độ của SSD có thể tạo ra sự khác biệt giữa việc hoàn thành 2 và hoàn thành 5 đề xuất cho khách hàng của bạn. Những người dùng này là ứng cử viên hàng đầu cho hệ thống ổ cứng kép.
- Biên tập âm thanh và nhạc sĩ: Nếu bạn đang ghi âm hoặc làm chủ âm nhạc, chắc hẳn bạn sẽ không muốn có sự xuất hiện của những âm thanh khó nghe từ ổ cứng cơ học HDD. Nên sử dụng ổ cứng SSD chạy êm ái hơn.
Hệ thống Hybrid Drives và Dual-Drive
Trở lại giữa những năm 2000, một số nhà sản xuất ổ cứng, trong đó có Samsung và Seagate, đã đưa ra giả thuyết rằng nếu bạn thêm một vài gigabyte chip flash vào một ổ cứng đĩa quay truyền thống, bạn có thể tạo ra một cái gọi là ổ cứng “hybrid”. Điều này sẽ kết hợp dung lượng lưu trữ lớn của HDD với hiệu suất của SSD, với mức giá chỉ cao hơn một chút.
Bộ nhớ flash hoạt động như một bộ đệm cho các tệp được sử dụng thường xuyên, vì vậy hệ thống của bạn có khả năng khởi động và khởi chạy các ứng dụng quan trọng nhanh hơn, mặc dù bạn không thể tự mình cài đặt trực tiếp bất cứ thứ gì trong không gian đó.
Trên thực tế, ổ đĩa lai có hiệu quả, nhưng khái niệm này đang phai mờ dần khi giá SSD giảm xuống. Chúng vẫn đắt hơn và phức tạp hơn ổ cứng HDD thông thường, và chỉ hoạt động tốt nhất cho những người dùng vừa cần nhiều dung lượng lưu trữ vừa cần thời gian khởi động nhanh.
Một hệ thống ổ đĩa kép thực sự sẽ là giải pháp tốt hơn cho nhiều người dùng. Trong trường hợp này, những người tự build PC hoặc nhà sản xuất PC sẽ cài đặt SSD làm ổ đĩa chính (C:) cho hệ điều hành và ứng dụng, đồng thời thêm một ổ cứng quay HDD có dung lượng lớn hơn để lưu trữ tệp. Điều này hoạt động tốt trên lý thuyết. Còn trong thực tế, bạn cần chắc chắn rằng mình không lựa chọn dung lượng quá nhỏ trên SSD. Bản thân hệ điều hành Windows chiếm khá nhiều dung lượng trên ổ đĩa chính, và bạn cũng không thể cài đặt một số ứng dụng trên các ổ đĩa khác.
Theo ý kiến của chúng tôi, với nhu cầu sử dụng thông thường ngày nay, 256GB là kích thước thực tế tối thiểu cho ổ (C:). Mối quan tâm về không gian cũng giống như với bất kỳ hệ thống nhiều ổ đĩa nào: Bạn cần đủ không gian vật lý bên trong vỏ case máy tính để chứa được hai (hoặc nhiều) ổ đĩa, có nghĩa là kiểu sắp xếp này chỉ thực tế trong máy tính để bàn và một số khung máy lớn, hay laptop cao cấp (thường là dòng laptop hướng tới việc gaming).
Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, một ổ cứng SSD và một ổ cứng HDD có thể được kết hợp trên các hệ thống sử dụng công nghệ như Intel Optane Memory.
Optane Memory (đi kèm dưới dạng module M.2) hoạt động như một bộ nhớ đệm giống SSD để giúp hệ thống khởi động và khởi chạy các chương trình từ ổ đĩa khởi động chính nhanh hơn. Còn như trên ổ đĩa lai, người dùng cuối không thể truy cập trực tiếp Optane Memory. Mặt khác, PC của bạn sẽ cần dung lượng và hỗ trợ cho hai ổ đĩa, một yêu cầu có thể loại trừ một số laptop và máy tính để bàn kiểu dáng nhỏ gọn. Bạn cũng sẽ cần mainboard của hệ thống hỗ trợ công nghệ bộ nhớ đệm để tình huống này hoạt động. Tuy nhiên, nhìn chung, đó là một cách giải quyết thú vị.
Thiết bị lưu trữ của ngày mai: SSD hay HDD?
Không rõ liệu ổ cứng SSD có thay thế hoàn toàn các ổ cứng quay truyền thống hay không, đặc biệt là với nhiều dịch vụ lưu trữ đám mây chia sẻ đang chờ sẵn. Đúng là giá thành của SSD đang giảm xuống, nhưng chúng vẫn quá đắt để thay thế hoàn toàn hàng terabyte dữ liệu mà một số người dùng có trong PC / Mac của họ, để lưu trữ hàng loạt không cần tốc độ nhanh, chỉ đơn giản là chúng vẫn ở đó. Lưu trữ đám mây cũng không miễn phí, bạn sẽ phải tiếp tục trả tiền miễn là bạn muốn có ổ lưu trữ cá nhân trên internet. Lưu trữ cục bộ sẽ không mất đi cho đến khi chúng ta có Internet không dây đáng tin cậy ở khắp mọi nơi. Tất nhiên, đến lúc đó, có thể sẽ có một thứ gì đó tốt hơn được ra đời.
Lời cuối cùng trước khi kết thúc bài viết, nếu bạn có bất kỳ thắc mắc hay góp ý về nội dung chúng tôi đã đề cập trong “SSD và HDD là gì? So sánh sự khác biệt giữa hai loại ổ cứng này“, hãy chia sẻ ý kiến của bạn bằng khung bình luận bên dưới nhé.
Chúc bạn một ngày tốt lành !!!