Bỗng nhiên bạn gặp phải lỗi điện thoại sạc không vào pin hoặc vẫn vào nhưng pin lên rất chậm? Vậy thì bạn cũng đừng lập tức cho rằng bộ sạc của mình đã bị hỏng mà mua ngay bộ sạc mới, vì có khá nhiều nguyên nhân gây ra lỗi này. Nếu biết được, bạn sẽ dễ dàng khắc phục vấn đề một cách thật hợp lý và tiết kiệm.
Trong bài viết này, mời bạn tham khảo qua 7 mẹo chữa điện thoại sạc không vào pin đơn giản nhất mà chúng tôi đã tổng hợp ra nhé.
1. Kiểm tra và sửa chữa cổng USB
Giải pháp nhanh nhất, dễ nhất và thường mang tới kết quả khả quan là kiểm tra lại cổng USB kết nối với cáp sạc. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến lỗi điện thoại sạc không vào pin. Rất có thể phần chân sạc bên trong máy đã bị gãy khi liên tục rút/cắm cáp sạc sau thời gian dài sử dụng, có thể do bạn vô tính cắm cáp sạc quá mạnh tay, hay chỉ đơn giản do lỗi nhà sản xuất làm bộ phận chân sạc không bền.
Bạn có thể soi đèn pin để quan sát được cổng USB kết nối. Nếu đúng là chân sạc đã bị gãy, bạn chỉ còn cách mang điện thoại ra trung tâm bảo hành hay các quán sửa chữa điện thoại để thay chân sạc mới. Còn nếu thấy nó vẫn ổn thì bạn có thể dùng tăm bông nhỏ để vệ sinh, lau sạch bụi bẩn rồi thử cắm lại sạc pin.
2. Thử dùng cáp sạc điện thoại mới
Rõ ràng là như vậy, sau một thời gian sử dụng rất có thể dây cáp sạc điện thoại của bạn bị sờn hoặc đứt ở bên trong mà bạn không thể quan sát được. Bạn hãy thử ra các hàng quán sửa chữa điện thoại, hay đơn giản nhất là mượn người thân và bạn bè chiếc cáp sạc phù hợp với mẫu điện thoại bạn đang dùng, nếu điện thoại sạc được bình thường, đã đến lúc để bạn mua cáp sạc mới cho mình.
Bạn cũng không nên mua những cáp sạc không rõ nguồn gốc vì chúng thường có chất lượng rất thấp, điều này sẽ khiến thời gian sạc pin chậm hơn, thậm chí tệ hơn là có thể làm tổn hại pin và cả chiếc điện thoại của bạn. Hiện nay, trên thị trường có bán nhiều mẫu cáp sạc chính hãng chất lượng tốt mà giá cả rất phải chăng, tương thích cho cả điện thoại iPhone/Android như là cáp sạc thương hiệu Anker, Samsung hay Xiaomi,…
3. Thử dùng các nguồn điện khác nhau
Nếu cáp sạc của bạn không phải là vấn đề, tiếp theo bạn hãy thử kiểm tra củ sạc có hoạt động bình thường không. Thay vì cắm cáp sạc vào củ sạc như bình thường, bạn có thể cắm vào cổng USB của máy tính hoặc laptop, nếu điện thoại sạc được bình thường nghĩa là củ sạc của bạn đã bị hỏng.
Để chắc chắn lỗi điện thoại sạc không vào pin có phải do củ sạc của bạn hay không, bạn có thể thử cắm củ sạc trên vài ổ điện khác nhau. Vì vẫn có thể có trường hợp ổ điện trong nhà bạn bị cháy hỏng.
Mẹo: Kiểm tra củ sạc và cáp sạc của bạn có thực sự tốt hay không?
Để kiểm tra chất lượng của bộ sạc, nhất là khi bạn muốn mua một bộ sạc mới mà sợ nhận phải hàng nhái, hàng kém chất lượng, vậy thì có một ứng dụng rất hay dành cho Android và iPhone có thể giúp bạn biết được điều này – nó có tên là Ampere.
Ứng dụng Ampere giúp bạn đo lường dòng điện đi vào khi bạn sạc pin điện thoại. Bạn chỉ cần cài đặt app miễn phí, rồi kết nối điện thoại với bộ sạc, Ampere sẽ tự động đo và hiển thị được cường độ dòng điện tối đa của bộ sạc.
Ampere – Charger Testing
Braintrapp
(273,8N+ Đánh giá)
Bạn có thể dựa vào đó so sánh với thông số được ghi trên bộ sạc. Thông thường, với bộ sạc chất lượng tốt, trên củ sạc ghi 1.5 A chẳng hạn thì Ampere sẽ đo được cường độ dòng điện khoảng từ 900 mA đến 1100 mA (1.1 A). Còn với bộ sạc kém chất lượng thì sẽ đo được ít hơn nhiều. Đây cũng chính là 1 lý do khiến điện thoại sạc vào pin rất chậm.
4. Thay pin điện thoại mới
Tuổi thọ của một viên pin điện thoại thường là 2 năm. Sau 2 năm sử dụng, rất có thể bạn sẽ gặp phải vấn đề như pin tụt rất nhanh hay tệ hơn là điện thoại sạc pin không vào.
Khi tháo vỏ mặt sau của điên thoại, bạn có thể quan sát pin có bị chai phình hay rò rỉ chất lỏng hay không, nếu có, bạn nên thay ngay pin mới. Tuy nhiên, đáng tiếc là hiện nay rất nhiều mẫu điện thoại đời mới rất khó để bạn tự tháo được mặt lưng của máy.
5. Hạ cấp hệ điều hành Android/iOS
Nếu như lỗi điện thoại sạc không vào pin xuất hiện ngay sau khi bạn nâng cấp lên phiên bản iOS/Android mới, rất có thể là thiết bị của bạn không tương thích với phiên bản nâng cấp này. Bạn có thể tìm hiểu các dòng điện thoại nào được hỗ trợ nâng cấp hệ điều hành mới của nhà phát hành, nếu không có mẫu điện thoại của bạn, bạn có thể cân nhắc để quay trở lại phiên bản cũ hơn.
6. Không nên sạc pin điện thoại bằng cổng USB
Cổng USB trên máy tính hay laptop chỉ hữu dụng khi bạn muốn thử củ sạc có còn dùng được không (như phương pháp chúng tôi đã nêu ở trên), còn nếu không, bạn đừng bao giờ nên sạc pin điện thoại qua đó. Vì các cổng USB không cung cấp nhiều điện năng khiến thời gian sạc điện thoại sẽ rất lâu.
Cụ thể bộ sạc bình thường sẽ sạc nhanh gấp 2 lần cổng USB. Với các mẫu điện thoại đời mới có hỗ trợ chức năng sạc nhanh, nó có thể sạc nhanh hơn gấp 5 lần, thậm chí là 10 lần cổng USB. Chính vì vậy mà có thể bạn nhầm tưởng rằng điện thoại đang sạc không vào pin.
7. Tắt các tính năng không cần thiết khi sạc pin
Nếu bạn dùng các ứng dụng và tính năng tiêu tốn pin khi đang sạc (ví dụ điển hình là vừa chơi game vừa sạc), điều này chắc chắn sẽ làm giảm tuổi thọ của pin. Treo nhiều ứng dụng, để màn hình quá sáng, bắt WiFi hay kết nối mạng 4G/5G,… tất cả đều sẽ khiến thời gian sạc pin của bạn lâu hơn.
Vậy nên khi sạc pin, bạn nên tắt hết các tính năng không cần thiết để pin đầy nhanh nhất và kéo dài được tuổi thọ của pin một cách tốt nhất.
Lời cuối cùng trước khi kết thúc bài viết, nếu bạn có bất kỳ thắc mắc hay góp ý về nội dung chúng tôi đã đề cập trong “Hướng dẫn 7 mẹo chữa điện thoại sạc không vào pin“, hãy chia sẻ ý kiến của bạn bằng khung bình luận bên dưới nhé.
Chúc bạn một ngày tốt lành !!!