Với nền công nghệ đang phát triển không ngừng như hiện nay, những kết nối không dây ngày càng được mọi người yêu thích hơn và một trong số đó là NFC. Vậy, để biết kết nối NFC trên điện thoại là gì và cách tận dụng tối đa những tính năng của nó, mời bạn tiếp tục theo dõi bài viết nhé !!!
Kết nối NFC trên điện thoại là gì?
NFC là viết tắt của “Near Field Communication”, tạm dịch là “Giao tiếp trường gần”. Thật vậy, kết nối NFC trên điện thoại hoạt động được trong bán kính chỉ khoảng 4cm, giúp hai thiết bị tương tác và chia sẻ dữ liệu với nhau. Nó hoàn toàn không phụ thuộc vào sóng điện thoại, Wi-Fi, hay 4G/5G, điều này nghĩa là bạn có thể sử dụng NFC ở bất kỳ đâu mà không tốn bất kỳ một chi phí nào.
Chính bởi những tính năng công nghệ tiên tiến, NFC đã và đang được ứng dụng rộng rãi. Trong đó đáng kể nhất là lĩnh vực thanh toán điện tử tại các nước phát triển, giúp cuộc sống thuận tiện và dễ dàng hơn.
Bạn có thể dùng kết nối NFC để làm gì?
Chia sẻ dữ liệu giữa các điện thoại Android
Để chia sẻ dữ liệu, đầu tiên bạn cần bật kết nối NFC và Android Beam trên cả hai thiết bị. Tùy chọn này thường nằm ở phần “Cài đặt” > “Khác”.
Bây giờ tất cả những gì bạn cần làm là tìm đến dữ liệu muốn gửi, như mở một tấm hình chẳng hạn, rồi chạm lưng hai thiết bị với nhau. Ngay lập tức tấm hình sẽ thu nhỏ lại và hiển thị thông báo “Touch to beam” để bạn xác nhận chuyển dữ liệu. Đúng vậy, bạn không cần phải thực hiện quá nhiều thao tác để gửi như theo cách thông thường nữa.
Bằng cách tương tự, bạn cũng có thể gửi nhanh nhiều loại dữ liệu khác trên điện thoại như một số điện thoại trong Danh bạ, một đường link bạn đang truy cập trên Trình duyệt, một hướng dẫn di chuyển trên Google Maps,…
Tuy nhiên đôi khi bạn cũng có thể gặp vài trục trặc khi gửi dữ liệu qua chế độ NFC. Ví dụ, khi muốn gửi một tệp tin PDF bạn đang đọc, nhiều khả năng điện thoại kia sẽ nhận được đường dẫn tới Google Play để tải ứng dụng đọc PDF chứ không phải chính tệp PDF đó. Trong những trường hợp như vậy, bạn cần tìm đến tệp cần gửi > nhấn “Chia sẻ” > chọn chia sẻ qua “Android Beam”.
Thực hiện thanh toán không tiếp xúc
Có lẽ đây mới là mục đích chính cho sự ra đời của công nghệ NFC, giúp người dùng có thể thanh toán cực kỳ nhanh chóng bằng thiết bị smartphone hoặc smartwatch. Bạn cần cài đặt ứng dụng như Google Pay, Apple Pay, hay Samsung Pay,… tùy thuộc vào các mẫu điện thoại đang sử dụng, sau đó thêm thông tin Thẻ tín dụng/Thẻ ghi nợ.
Ok, giờ bạn có thể sử dụng nó tại bất cứ cửa hàng nào có thiết bị hỗ trợ thanh toán qua NFC.
Kết nối thiết bị với thẻ NFC Tag
NFC Tag là các thẻ vật lý nhỏ gọn không cần sử dụng nguồn điện, bên trong có chứa các chip NFC được lập trình để cung cấp bất kỳ loại thông tin nào cho smartphone. Thông thường, NFC Tag sẽ được sử dụng để chứa liên kết đến một địa chỉ web nhất định. Ta có thể thấy nó khá giống với công nghệ QR, tuy nhiên lợi thế của NFC Tag là kết nối ngay lập tức, không cần mở thêm ứng dụng Camera như khi quét mã QR.
Để sử dụng vào mục đích cá nhân, NFC Tag cũng có thể được thiết lập để thực hiện một số hành động nhất định với chiếc smartphone của bạn. Ví dụ, bạn có thể quét NFC Tag để mở khóa điện thoại, hay chẳng hạn bạn có thể đặt một chiếc NFC Tag bên cạnh giường ngủ để chuyển nhanh điện thoại sang chế độ ban đêm.
Công nghệ NFC có an toàn không?
Chính bởi vì chỉ hoạt động ở một khoảng cách rất gần (khoảng 4cm), vậy nên công nghệ NFC được xem là an toàn hơn so với các kiểu kết nối từ xa khác. Hãy thử tưởng tượng khi một tên hacker muốn đánh cắp dữ liệu của bạn qua NFC, hắn sẽ phải tới gần như sát bên cạnh bạn để thao tác, điều này quá dễ dàng để phát hiện ra đúng không nào?
Vừa tiện lợi lại bảo mật tốt nên hiện nay gần như mọi thiết bị Android và từ thế hệ iPhone 6 trở lên đều đã được trang bị kết nối NFC. Để tìm hiểu chi tiết, bạn có thể tham khảo danh sách tất cả thiết bị có công nghệ NFC tại Trang web NFC World.
Kết nối NFC so với Kết nối Bluetooth
Bạn có thể nghĩ rằng kết nối NFC là không cần thiết, vì xét rằng kết nối Bluetooth đã trở nên quen thuộc và được sử dụng rỗng rãi từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, NFC có một lợi thế lớn là kết nối nhanh hơn rất nhiều so với kiểu chọn ghép nối thủ công của Bluetooth, chỉ mất chưa đến một phần mười giây để thiết lập kết nối giữa hai thiết bị. Hơn nữa, mức sử dụng pin của NFC cũng ít hơn nhiều so với Bluetooth, thậm chí NFC Tag còn hoạt động được mà không cần nguồn điện.
Nhưng không có công nghệ nào là hoàn hảo, chính vì tiết kiệm năng lượng phạm vi hoạt động của NFC ngắn hơn rất nhiều. Trong khi NFC có phạm vi chỉ vài centimet thì các kết nối Bluetooth có thể truyền dữ liệu trong khoảng cách lên tới 10 mét. Một nhược điểm khác là tốc độ truyền dữ liệu của NFC cũng chậm hơn so với Bluetooth.
Lời cuối cùng trước khi kết thúc bài viết, nếu bạn có bất kỳ thắc mắc hay góp ý về nội dung chúng tôi đã đề cập trong “Kết nối NFC trên điện thoại là gì? Top 3 tính năng tiện lợi nhất của NFC“, hãy chia sẻ ý kiến của bạn bằng khung bình luận bên dưới nhé.
Chúc bạn một ngày tốt lành !!!