Vì lý do bảo mật, các nhà sản xuất smartphone và nhà khai thác mạng di động sẽ áp đặt các giới hạn phần mềm lên thiết bị Android. Mặc dù bạn hoàn toàn có thể gỡ bỏ hạn chế bằng cách root máy Android, nhưng điều đó thường là không nên làm, đặc biệt nếu bạn chưa cài đặt phần mềm diệt virus để bảo vệ thiết bị Android của bạn khỏi phần mềm độc hại.
Vậy trong bài viết này, hãy cùng chúng tôi đi tìm hiểu sâu hơn về chủ đề root máy là gì, root máy mang lại những rủi ro gì, cũng như lý do tại sao bạn nên (hoặc không nên) root máy Android.
Root máy là gì?
Root máy là một quá trình cho phép bạn đạt được quyền truy cập sâu vào mã nguồn Android (thuật ngữ này tương đương với việc jailbreak thiết bị Apple). Nó sẽ cung cấp cho bạn đặc quyền để sửa đổi phần mềm, cũng như tùy chỉnh các cài đặt nâng cao khác mà nhà sản xuất thiết bị thường không cho phép.
Với lý do bảo mật, nhà sản xuất thường không muốn người dùng thực hiện các sửa đổi quá sâu đối với thiết bị Android của họ, vì điều đó có thể dẫn đến những hỏng hóc không thể sửa chữa được. Họ sẽ dễ dàng hỗ trợ và bảo hành thiết bị hơn rất nhiều nếu chỉ cho phép người dùng sử dụng cùng một phiên bản Android chưa bị can thiệp sửa đổi từ bên trong.
Tuy nhiên, những người dùng hiểu biết về công nghệ đã phát triển các phương pháp root, các phương pháp này thì khác nhau tùy thuộc vào thiết bị Android bạn đang sử dụng là gì. Chúng có sẵn trên mạng được người dùng Android sử dụng vì những đặc quyền mạnh mẽ mà chúng cung cấp, chẳng hạn như:
- Các tùy chỉnh sâu cho mọi giao diện và đồ họa trên thiết bị Android.
- Có thể tải xuống và cài đặt bất kỳ ứng dụng nào từ bất kỳ cửa hàng ứng dụng nào, không còn phải quá phụ thuộc vào Google Play.
- Kéo dài tuổi thọ pin
- Ép hiệu suất của thiết bị lên mức tối đa.
- Cập nhật thủ công lên phiên bản hệ điều hành Android mới nhất, nếu thiết bị đã lỗi thời và không còn được nhà sản xuất hỗ trợ cập nhật.
Mặc dù đó là những lợi ích rất tuyệt vời, nhưng nếu tiến hành root máy không đúng cách hoàn toàn có thể làm hỏng thiết bị Android của bạn. Và thậm chí khi được thực hiện đúng cách, nếu thiết bị của bạn không có những phần mềm bảo vệ chống virus thích hợp cho Android, việc root máy sẽ khiến thiết bị của bạn có thể phải tiếp xúc với tất cả những thứ độc hại nhất trên mạng.
Root máy mang lại những rủi ro gì?
Nếu những lợi ích đủ thuyết phục bạn root thiết bị Android của mình. Nhưng như chúng tôi cũng đã đề cập, bạn có thể sẽ phải làm điều đó với cái giá phải trả của riêng bạn, đó là những rủi ro lớn về bảo mật.
1. Có thể biến chiếc thiết bị Android thông minh trở thành một “cục gạch”
Tất nhiên là không phải hoàn toàn theo nghĩa đen, nhưng nếu bạn tiến hành quá trình root máy, nghĩa là sửa đổi mã nguồn, hệ điều hành trên thiết bị Android của bạn có thể bị lỗi, thậm chí có thể tệ đến mức thiết bị của bạn về cơ bản sẽ vô dụng như một cục gạch.
2. Làm vô hiệu bảo hành của thiết bị Android
Việc root thiết bị Android của của bạn là hoàn toàn hợp pháp, không ai có quyền ngăn cấm bạn làm điều này cả. Tuy nhiên, nếu bạn làm điều đó, thiết bị Android của bạn sẽ bị mất bảo hành ngay lập tức.
Giả sử bạn đã root thiết bị Android của mình, một thời gian sau đó bạn gặp phải các sự cố liên quan đến phần cứng hoặc phần mềm thì các gói bảo hành đã mất hiệu lực, vậy nên các nhà sản xuất và nhà phân phối thiết bị sẽ không cần phải đứng ra chịu trách nhiệm cho bạn.
3. Phần mềm độc hại có thể dễ dàng tấn công thiết bị Android
Để có được quyền truy cập root cũng đòi hỏi phải phá vỡ các hạn chế mà tính năng bảo mật của hệ điều hành Android đặt ra. Điều đó có nghĩa là virus, trojan, phần mềm gián điệp,… tóm lại là mọi thứ độc hại có thể dễ dàng tấn công thiết bị Android đã root.
Nếu không được bảo vệ bởi ít nhất một phần mềm bảo mật đủ tốt, có một số cách mà những thứ độc hại này có thể xâm nhập vào thiết bị của bạn: tải xuống theo ổ đĩa, tải xuống theo liên kết độc hại, ứng dụng bị nhiễm mã độc mà bạn tải xuống từ các cửa hàng ứng dụng không có uy tín,… Chúng sẽ tự động can thiệp sau vào thiết bị Android của bạn và khiến nó hoạt động sau lưng bạn: chuyển tiếp danh sách liên hệ của bạn, đánh cắp email của bạn, tự động gửi tin nhắn văn bản, thu thập dữ liệu cá nhân như mật khẩu, tên người dùng, thẻ tín dụng, thông tin chi tiết mà bạn sử dụng khi giao tiếp xã hội, giao dịch ngân hàng và mua sắm online từ thiết bị Android của bạn,…
Nên hay không nên root máy Android?
Nếu đã sử dụng hệ điều hành Android được một thời gian, bạn có thể nhận thấy rằng việc giành quyền truy cập root trên hầu hết các thiết bị bây giờ khó khăn hơn nhiều so với trước đây. Nhiều năm về trước, có những phương pháp có thể root hầu hết mọi thiết bị Android chỉ trong vài phút, nhưng điều đó hiện nay đã không còn được như vậy.
Hơn nữa, ngày nay thì Google thường có các bản cập nhật hàng tháng để vá những lỗ hổng bảo mật, nhưng trên thiết bị Android đã root, bạn phải tự chịu trách nhiệm bảo mật cho mình. Nếu bạn vẫn quyết định root máy, bạn phải chấp nhận rằng thiết bị Android của bạn sẽ cần được kiểm tra thường xuyên hơn, và bạn cần phải cẩn thận với tất cả những gì bạn đã cài đặt. Mạng lưới bảo mật an toàn do Google và nhà sản xuất thiết bị cung cấp sẽ không còn ở đó để trợ giúp cho bạn nữa.
Nếu bạn không quen thuộc với các công cụ của Android và cách khắc phục sự cố với các dòng lệnh, bạn có thể không nên root thiết bị của mình. Mặc dù root có thể rất thú vị để trải nghiệm những tính năng mới mẻ, nhưng nó cũng có thể dẫn đến rất nhiều sự thất vọng khi bạn phải cố gắng sửa các lỗi gây ra bởi mod quá mức.
Khi có vấn đề gì xảy ra (khả năng lớn là nó sẽ sớm xảy ra), việc khắc phục hoàn toàn là bạn phải tự thực hiện. Bạn có thể phải lục lại các bài đăng cũ trên mạng, hoặc cầu xin sự trợ giúp trong các diễn đàn để tìm ra cách sửa chữa thiết bị Adnroid của mình.
Ngoài ra, bạn cũng rất nên nhìn vào những gì bạn đang nhận được: thiếi bị Android ở trạng thái nguyên bản (chưa root) cũng đã làm được nhiều thứ hơn rất nhiều so với trước đây. Một thập kỷ trước, mọi người bắt đầu root máy để có được các tính năng như ép xung, quản lý quyền ứng dụng, chụp ảnh quay phim màn hình,… nhưng bây giờ, thiết bị Android nguyên bản hoàn toàn có thể làm được tất cả những điều đó.
Tóm lại, vì tất cả những lý do đã kể trên, hầu hết mọi người đã không còn nhiều lý do để root thiết bị Android.
Lời cuối cùng trước khi kết thúc bài viết, nếu bạn có bất kỳ thắc mắc hay góp ý về nội dung chúng tôi đã đề cập trong chủ đề “Root máy là gì, và những điều liên quan tới nó“, hãy chia sẻ ý kiến của bạn bằng khung bình luận bên dưới nhé.
Chúc bạn một ngày tốt lành !!!